Cần làm nhanh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để không mất cơ hội

13/05/23 10:39 AM

Chiều 12/5, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Buổi thảo luận giữa các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh TP.HCM định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh trong khu vực; đi đầu về công nghiệp công nghệ cao và là đầu mối giao thương với quốc tế. Trong đó, Cần Giờ được nhắm đến là động lực tăng trưởng mới cho TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

‘Không sớm xây cảng biển Cần Giờ sẽ bỏ lỡ cơ hội’

Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) trình bày đề án. Ảnh: Minh Quân

Ông Phạm Anh Tuấn – Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast) trình bày đề án.

Trình bày cụ thể về cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, theo ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển Portcoast, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus). Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).

Về công nghệ, ông Tuấn nói cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là công nghệ cảng xanh, sử dụng điện. Nhà đầu tư cũng đã cam kết mang công nghệ hiện đại nhất đến Cần Giờ.

Về môi trường, vị trí dự án làm tại cù lao Phú Lợi hoàn toàn không có người ở, nằm tách biệt hẳn với đất liền. Nơi đây nằm cạnh luồng Cái Mép – Thị Vải, vốn đã quen với hoạt động hàng hải.

Việc kết nối giao thông cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ từ nay đến năm 2030 chỉ bằng đường thủy. Sau 2030 sẽ có kết nối đường bộ bằng đường trên cao để giảm tối đa ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Chưa kể, nhà đầu tư đã cam kết mang công nghệ, chuyên gia để áp dụng công nghệ cảng xanh, giảm khí thải, chất thải và có phương án sử dụng, khai thác hợp lý, phòng ngừa các sự cố môi trường. Đối với diện tích gần 83 ha rừng bị ảnh hưởng, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện trồng rừng thay thế.

“Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang đứng trước nhiều thuận lợi, được sự ủng hộ của trung ương cũng như địa phương và nhà đầu tư là hãng tàu lớn trên thế giới. Những ai trong ngành hàng hải sẽ hiểu việc xây dựng cảng là bây giờ hoặc không bao giờ”, ông Tuấn chia sẻ.

TS Trần Du Lịch nói tại hội thảo, chiều 12/5. Ảnh: Gia Minh

Cảng trung chuyển quốc tế tổng vốn hơn 5,4 tỷ USD ở Cần Giờ sẽ tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ, nếu không làm sớm cả vùng sẽ bị lỡ mất cơ hội, theo TS Trần Du Lịch.

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, dự án này đang có các điều kiện thuận lợi để triển khai như vị trí dự tính xây dựng nằm trong quy hoạch và nhà đầu tư là hãng tàu biển đứng tốp đầu thế giới, có nhiều kinh nghiệm. “Kinh nghiệm cho thấy nơi nào quy hoạch dự án và ý định của nhà đầu tư gặp nhau, nơi đó sẽ thành công”, ông nói và cho rằng vấn đề cần bàn hiện nay không phải là có làm cảng Cần Giờ hay không, mà là làm sao triển khai nhanh nhất để không lỡ mất cơ hội.

Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển kiến nghị TP.HCM phê duyệt sớm đề án để giữ chân nhà đầu tư và đưa dự án vào danh mục trọng điểm trong năm nay và những năm tới. Dự án không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM mà còn là vấn đề quốc gia bởi đây là cảng trung chuyển riêng biệt đầu tiên của cả nước.

Nơi khởi nghiệp, mở rộng cho hàng trăm doanh nghiệp logistics

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, cần phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo hướng bền vững, trong đó, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác cảng. Giảm sử dụng năng lượng tại các cảng bằng cách sử dụng phương tiện giao thông bền vững.

Đồng thời, việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước; Thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô TP. Bên cạnh đó, sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Đồng thời, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Ngoài ra, việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ thực hiện mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP và tiếp tục giữ vững vai trò của TPHCM như là một trung tâm logistics của vùng nói riêng và của cả Châu Á nói chung.

Góp ý cho đề án, TS Trần Du Lịch cho rằng trong thực hiện phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ không nên suy nghĩ cảng Cái Mép – Thị Vải là của Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ là của TPHCM. Thay vào đó, cả 2 cảng này cần được xem là của vùng Đông Nam bộ và cả quốc gia. Do đó, vai trò của Ban điều phối vùng Đông Nam bộ, với sự dẫn dắt của TPHCM, phải được thể hiện ngay từ đầu để hình thành cụm cảng vì lợi ích chung.

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thanh Hải – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) – cũng nhận định cảng Cần Giờ mang tầm vóc khu vực, thậm chí mang tầm quốc gia. Do vậy, cần sự vào cuộc của bộ ngành và các địa phương để điều phối chung tạo liên kết vùng kinh tế.

Lưu ý thêm, ông nói quá trình nghiên cứu phải chú trọng hạ tầng giao thông, hạ tầng sau cảng và thủ tục thông thoáng để xứng tầm… TP có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các cảng xanh, cảng tự động, thông minh như ở Trung Quốc, Singapore…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam Lê Duy Hiệp khẳng định, dự án này là động lực để phát triển đội tàu container Việt Nam, đồng thời tạo ra một khu đô thị biển Cần Giờ, một trung tâm logistics để gắn liền với cảng trung chuyển Cần Giờ và cũng sẽ tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động; là nơi khởi nghiệp, mở rộng cho hàng trăm doanh nghiệp logistics và hàng trăm doanh nghiệp dịch vụ khác.

Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cùng các đơn vị hoàn thành đề án trong tháng 5.2023. Trong đó, phải chú trọng thực tế, nghiên cứu kỹ làm sao đồng bộ phát triển cảng biển nhưng cũng bảo vệ môi trường.

Theo kế hoạch, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hoàn thiện và trình UBND TP Hồ Chí Minh, xin ý kiến Ban Thường vị Thanh ủy TP Hồ Chí Minh trong tháng 5 này. Đề án được hoàn thiện, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng trong tháng 5.2024.