Cảng Quy Nhơn với chiến lược đầu tư cốt lõi

17/03/22 9:24 AM

Cảng Quy Nhơn là một trong số ít cảng biển trong cả nước có hiệu quả khai thác cầu bến cao.

Cảng Quy Nhơn, một trong các đơn vị thành viên của VIMC trong khối cảng biển hoạt động kinh doanh hiệu quả trong thời gian vừa qua

Trong kế hoạch phát triển đến năm 2025, Cảng Quy Nhơn sẽ tiếp tục được đầu tư mở rộng lên gần 90 ha- gấp 3 lần hiện nay để đáp ứng vai trò cảng cửa ngõ khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Để thực hiện định hướng trên, Cảng Quy Nhơn tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ số như cuối năm 2021 đã khởi công xây dựng nâng cấp bến số 1 của cảng, đồng thời, ra mắt cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử E-Port.

Chia sẻ về dự án nâng cấp bến số 1, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VIMC kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn cho biết, tiến độ dự án đang đáp ứng yêu cầu đề ra và sẽ hoàn thành đầu năm 2023.

Theo đó, bến số 1 sẽ được mở rộng ra phía khu nước trước bến hiện tại thêm 35m, tổng chiều dài bến sau khi nâng cấp là 480m, đảm bảo tiếp nhận đồng thời 2 tàu hàng tổng hợp, tàu container 30.000 tấn (DWT) đầy tải.

“Dự án có tổng giá trị đầu tư 550 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đảm bảo neo cập cho tàu hàng tổng hợp, tàu container 50.000 tấn đầy tải trong giai đoạn sau, phù hợp với tiến trình nâng cấp, mở rộng tuyến luồng Cảng Quy Nhơn theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Việc đầu tư nâng cấp bến đảm bảo nâng công suất xếp dỡ, thông qua hàng hóa của cảng từ 8 triệu tấn/năm lên 15 triệu tấn/năm”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Anh Tuấn khẳng định thêm, việc triển khai dự án đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 cùng với phát triển công nghệ thông tin trên lĩnh vực cảng biển thể hiện quyết tâm của VIMC và QNP trong việc thực hiện cam kết với Chính phủ và UBND tỉnh Bình Định về đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động cảng, khẳng định vị thế của Cảng Quy Nhơn ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Chia sẻ về việc đưa vào sử dụng cổng thông tin điện tử cung cấp dịch vụ cảng điện tử E-Port, ông Lê Duy Dương, Phó Tổng giám đốc Cảng Quy Nhơn nhìn nhận, đầu năm 2022, cảng đã đưa vào sử dụng, vận hành chức năng trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) tự động và thanh toán trực tuyến cùng với E-Port, góp phần đáp ứng được xu hướng chuyển đổi số của VIMC, đồng thời góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

“Ứng dụng công nghệ này giúp khách hàng cập nhật tình trạng dữ liệu hàng hóa thực tế 24/7, đảm bảo tính trung thực và tiết kiệm chi phí quản lý hàng hóa trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ cảng biển; nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến thủ tục quy trình giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, tiến tới thanh toán điện tử hoàn toàn”, ông Lê Duy Dương đánh giá.

Đánh giá về vị trí vai trò của Cảng Quy Nhơn, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, cảng được Chính phủ quy hoạch là một trong mười cảng trọng điểm của cả nước, được quan tâm đầu tư nhằm bảo đảm phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.

Cảng cũng được xem là đầu mối quan trọng trên trục hành lang Ðông Tây, là cửa ngõ ra Biển Ðông của tiểu vùng sông Mê kông (gồm Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia) thông qua Quốc lộ 18B (Lào) nối với Quốc lộ 19 (Việt Nam).

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quyết định số 1501/2021/QĐ-BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT với tổng mức đầu tư hơn 420 tỷ đồng. Khi dự án này hoàn thành sẽ giúp đồng bộ với kết cấu hạ tầng cầu – bến và phương tiện, công nghệ đã có tại Cảng Quy Nhơn, bảo đảm nâng cao năng lực tiếp nhận các tàu trọng tải lớn vào làm hàng tại cảng.

Ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc QNP chia sẻ, bên cạnh việc nâng cấp, phát triển hạ tầng, cảng sẽ tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc tuyển chọn thêm đội ngũ cán bộ, công nhân có trình độ cao và cử cán bộ kỹ thuật và công nhân đi đào tạo tại nước ngoài.
Vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả thực hiện chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2021 của Cảng Quy Nhơn tăng trưởng ngoạn mục.

Nếu như năm 2019 đón tấn hàng thứ 9 triệu tấn, năm 2020 là 11 triệu tấn thì năm 2021, cảng vẫn đạt 11,5 triệu tấn. Năm 2022, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc cảng nâng cấp bến số 1 sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc QNP khẳng định, lãnh đạo cảng vẫn mạnh dạn đề ra chỉ tiêu sản xuất xấp xỉ năm 2021 với chỉ tiêu sản lượng là 11,2 triệu tấn hàng thông qua cảng, lợi nhuận đạt khoảng 190 tỷ đồng.

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông, Cảng Quy Nhơn cũng là một trong những cảng biển khai thác cầu bến hiệu quả nhất với 820 m cầu, hiệu suất khai thác trong những năm gần đây của cảng lên tới 10.000 tấn/m/năm – gấp 1,5 lần công suất thiết kế.

Nhờ đó, cảng được đánh giá là cảng dẫn đầu tại khu vực miền Trung trong những năm gần đây về xếp dỡ hàng hóa nhanh và có sản lượng hàng hóa thông qua tăng trưởng cao. Chính điều này đã góp phần không nhỏ vào kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Định phát triển mạnh trong thời gian qua.

Trước đó, năm 2020, Cảng Quy Nhơn đã khai trương tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp từ cảng đi các nước khu vực Đông Bắc Á nhằm kết nối nguồn hàng tại khu vực Tây Nguyên xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… với tần suất khai thác trung bình 1 tuần/1 tàu. Đây là một trong nhiều hướng đi mà lãnh đạo cảng này đang thực hiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, trong bối cảnh hoạt động cảng biển bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19.

Chia sẻ thêm về kế hoạch sản xuất kinh doanh, ông Phan Tuấn Linh, Tổng giám đốc QNP cho biết, cùng với dự án việc nâng cấp cầu tàu, bến bãi tại cảng, Cảng Quy Nhơn cũng triển khai đầu tư cảng cạn ICD dọc tuyến Quốc lộ 19 mới, với diện tích 30 ha thuộc địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định). Khu cảng cạn này sẽ được phát triển thành trung tâm logistics, phục vụ chiến lược mở rộng sản xuất, kinh doanh của cảng giai đoạn 2020-2025.

“Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến Quốc lộ 19 mà Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai sẽ là điều kiện nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa qua cảng, giảm ách tắc hàng hóa.

Đây cũng là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế của Bình Định và nhiều địa phương lân cận, giúp Cảng Quy Nhơn phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2025, QNP đạt sản lượng hàng hóa thông qua ở mức từ 14-15 triệu tấn/năm”, ông Phan Tuấn Linh cho hay.

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang chia sẻ, trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đặt mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành trung tâm kinh tế biển hùng mạnh, tạo thế tiến ra biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Vai trò của cảng biển hết sức quan trọng, là chìa khóa mở cửa kinh tế biển cho cả khu vực miền Trung và Tây nguyên, cần được quan tâm đầu tư tương xứng.
Cụm cảng biển được xem là xương sống của vùng, bao gồm Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất và Quy Nhơn mà thể hiện rõ nét nhất là vai trò của cảng Quy Nhơn, Đà Nẵng, Dung Quất…

Đại diện lãnh đạo VIMC cho rằng, để duy trì đà tăng trưởng cao như thời gian vừa qua, VIMC sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mới làm điểm gom hàng hóa từ các địa phương. VIMC cũng đẩy mạnh hợp tác liên doanh với đối tác để khai thác bãi, phương tiện, thiết bị phục vụ xếp dỡ container chuyên dụng, tăng trưởng dịch vụ cung ứng xăng dầu, đồng thời phát triển hệ thống công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả khai thác./.

Bnews/TTXVN