Dự án cảng Liên Chiểu tại thành phố Đà Nẵng có quy mô 450 ha và có thể tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT (trọng tải toàn phần của tàu). Đối với dự án trọng điểm này, Ban thường vụ Thành ủy đã có nghị quyết nhằm tạo điều kiện để Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng được tham gia xây dựng.
Cảng Liên Chiểu đang trong quá trình thi công hạ tầng dùng chung
Trong dịp đến thăm và chúc Tết cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng (Cảng Đà Nẵng) đầu năm nay, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay Ban thường vụ Thành uỷ đã có nghị quyết nhằm tạo điều kiện để Cảng Đà Nẵng được tham gia vào dự án cảng Liên Chiểu.
Có thể nói, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mong muốn doanh nghiệp đóng trên địa bàn được tiếp tục tham gia vào dự án trọng điểm cấp quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, để biến mong muốn đó thành hiện thực vẫn còn nhiều việc cần giải quyết liên quan đến cơ chế, thủ tục và tài chính.
Lo năng lực tài chính, vướng mắc về luật
Trước hết, phải thấy rằng Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp cổ phần hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Mặc dù Nhà nước nắm cổ phần chi phối nhưng mọi hoạt động của doanh nghiệp bao gồm hoạt động đầu tư phải được Hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông tức là đại diện các nhà đầu tư quyết định.
Về chủ trương đầu tư, trước đây trong các hội nghị về đầu tư cảng đã từng có đề xuất hai phương án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu được các cơ quan có thẩm quyền trình chính phủ xem xét quyết định. Đó là đầu tư xây dựng 2 bến khởi động với chiều dài cầu 750 m, các bến còn lại kêu gọi đầu tư sau (phương án 1) và đầu tư xây dựng tổng thể một lần cho toàn bộ cảng bao gồm 8 bến (phương án 2).
Tuy nhiên, gần đây nhất UBND TP Đà nẵng đã có Tờ trình số 17/TTr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chọn phương án 2. Ngày 24-10-2023 Bộ Giao thông vận tải cũng đã có công văn số 12044/BGTVT-KHĐT gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất theo đề xuất của thành phố Đà nẵng.
Như vậy có thể thấy sự thống nhất của cả UBND TP Đà nẵng và các cơ quan có thẩm quyền về chủ trương đầu tư một lần tổng thể xây dựng 8 bến cảng, có phân kỳ theo quy hoạch.
Nếu được Thủ tướng chấp thuận thì chủ trương ủng hộ Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng tham gia xây dựng cảng Liên Chiểu ngày càng khó. Với tổng tài sản năm 2023 theo báo cáo tài chính mới nhất là khoảng 2.059 tỉ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm 1.031 tỉ đồng thì Công ty cổ phần Cảng Đà nẵng không thể nào đủ tiềm lực tài chính để trở thành nhà đầu tư cảng Liên Chiểu theo chủ trương đầu tư tổng thể cả 8 bến cảng. Theo tính toán sơ bộ, chi phí đầu tư toàn bộ 8 bến cảng Liên Chiểu ước khoảng 48.000 tỉ đồng, tương đương 2 tỉ đô la Mỹ, thì với tài sản ngắn hạn hoặc tổng tài sản (trong trường hợp Cảng Đà Nẵng đưa tài sản cố định vào dự án đầu tư) hiện có của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không đáng là bao so với nhu cầu vốn khổng lồ như vậy.
Theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu hiện hành, việc chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu rộng rãi. Dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu cũng không thuộc diện chấp thuận nhà đầu tư theo khoản 3 và khoản 4 điều 29 Luật đầu tư 2020. Vì vậy lãnh đạo TP Đà Nẵng dù rất muốn tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng tham gia đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu cũng sẽ bị vướng các vấn đề về pháp luật đấu thầu và đầu tư.
Trong tương lai khi cảng Tiên Sa hiện hữu chuyển đổi thành tổ hợp du lịch, nếu Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không thể tham gia đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu thì hàng ngàn tỉ đồng tài sản cố định bao gồm các thiết bị bốc xếp như xe cẩu, xe nâng, xe đầu kéo, thiết bị lai dắt, kho bãi lưu hàng hoá… sẽ bị lãng phí trầm trọng. Với phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng chiếm 75% trên vốn điều lệ thì đây là một tổn thất không nhỏ nếu không có một giải pháp kịp thời và hợp lý.
Cần chính sách ưu đãi và chiến lược hợp tác
Đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền vẫn chưa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương án 1 (2 bến ban đầu) hoặc phương án 2 (8 bến, phân kỳ theo quy hoạch) trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chức năng.
Cảng Tiên Sa hiện hữu tại thành phố Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành cảng chuyên du lịch sau khi cảng Liên Chiểu được đưa vào hoạt động
Tuy nhiên, vẫn có thể chọn một giải pháp dung hoà là tách dự án đầu tư thành 2 gói thầu: giai đoạn 1 sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư cho một bến đầu tiên, giai đoạn 2 đấu thầu chọn nhà đầu tư tổng thể cho 7 bến còn lại. So với việc chia nhỏ dự án cho nhiều nhà đầu tư thì phương án này có thể chấp nhận được vì chỉ có 2 nhà đầu tư sau khi đấu thầu thành công.
Chủ trương này nếu được Thủ tướng chấp thuận, sẽ phù hợp với khả năng tài chính của Công ty cổ phần Cảng Đà nẵng hơn, doanh nghiệp có khả năng trúng thầu cao hơn vì có thế mạnh về kinh nghiệm khai thác cảng, nhân sự, trang thiết bị có sẵn. Nếu trúng thầu sẽ giúp doanh nghiệp này tận dụng được tài sản cố định hiện có vào dự án mới, tránh thất thoát lãng phí tài sản nhà nước khi cảng Tiên Sa chuyển thành tổ hợp dịch vụ du lịch.
Để hỗ trợ Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, Nhà nước với tư cách là nhà đầu tư tại công ty có thể tăng cường năng lực tài chính cho Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng thông quá hỗ trợ các gói vay ưu đãi hoặc phát hành thêm cổ phiếu cho nhà đầu tư hiện hữu để công ty có đủ năng lực dự thầu và thắng thầu.
Trong kế hoạch chuyển đổi cảng Tiên Sa thành tổ hợp du lịch, dịch vụ, Nhà nước – cụ thể là thành phố Đà nẵng, cần có chính sách ưu tiên chỉ định Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng được tiếp tục quản lý cảng và khu tổ hợp du lịch để tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có: cầu cảng, tàu lai dắt… phục vụ tàu du lịch, đồng thời hỗ trợ kinh phí để di dời trang thiết bị, xây dựng kho bãi mới nhằm giúp doanh nghiệp này tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất.
Một giải pháp nữa là Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng với kinh nghiệm, nhân lực và trang thiết bị đã đầu tư có thể liên danh với các đối tác nước ngoài đang quan tâm đến dự án để cùng tham gia đấu thầu đầu tư dự án. Các đối tác nước ngoài có thế mạnh về tài chính, thương hiệu, trong khi đó Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng có thế mạnh về thị trường, thiết bị, nhân lực kinh nghiệm sẽ hỗ trợ lẫn nhau, khả năng trúng thầu sẽ cao.
Hiện thông tin trên thị trường có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ ý định tham gia đầu tư: Tập đoàn Andani (Ấn Độ), Sumitomo (Nhật Bản)…
Trong trường hợp Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng không đáp ứng năng lực tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, Tổng công ty Hàng hải với tư cách là công ty mẹ của Cảng Đà Nẵng có thể thay mặt doanh nghiệp này liên danh các đối tác nước ngoài tham gia đấu thầu, sau khi trúng thầu có thể dùng tài sản hiện có của Cảng Đà Nẵng góp một phần vốn vào liên danh.