Doanh nghiệp thiệt hại tiền tỷ do luồng cạn

8/11/19 7:12 AM

Việc luồng hàng hải không đạt độ sâu so với chuẩn tắc thiết kế khiến hàng loạt doanh nghiệp logistics buộc phải giảm trọng tải hàng. 

Luồng vào cảng ở Việt Nam đang thấp hơn so với chuẩn tắc

Tàu thuyền buộc phải giảm tải

Theo thông báo hàng hải mới nhất, độ sâu của tuyến luồng hàng hải cảng Quy Nhơn hiện ở mức -9,8m, thấp hơn 1,2m so với chuẩn -11m. Cảng Quy Nhơn đã được đồng ý cho phép đón tàu 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT hạ tải, với tuyến luồng chỉ đạt ở mức -9,8m, đã khiến các tàu thuyền chở hàng ra vào Cảng Quy Nhơn đều phải giảm tải xuống mới lưu thông thuận lợi khi vào cảng. Điều này khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại khá nhiều.

Được biết, độ sâu vào luồng cảng Cái quốc tế Cái Mép (CMIT) đạt khoảng -13,8m, có dải cạn độ sâu luồng còn thấp hơn so với chuẩn tắc luồng là -14m, bên cạnh đó luồng vào các cảng như: Nam Hải, Nam Đình Vũ… chỉ dao động từ 6,5 – 6,8m thấp hơn so với chuẩn tắc thiết kế từ 0,2 – 0,5m.

Theo ông Nguyễn Tương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, không chỉ đơn thuần là giảm công suất vận chuyển, trước đây luồng sâu, các hãng tàu không phải chờ thủy triều mà vẫn có thể vào làm hàng tại cảng. Nay cốt luồng thấp, tàu phải chờ đến khi triều cường mới vào được cảng. Thời gian di chuyển trên luồng cũng mất nhiều thời gian, nếu chỉ chậm một chút có thể phải đợi cả ngày ảnh hưởng đến lịch trình chở hàng. Từ đó, kéo theo việc xáo trộn các đơn hàng và tiến độ giao hàng. Đối với tàu đi thuê thì con số thiệt hại sẽ còn cao hơn nữa.

Đại diện Công ty Dịch vụ và Vận tải Trường Liên cho biết, với các hãng tàu việc đảm bảo an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy, với luồng vào các cảng ở Hải Phòng như Nam Hải, Nam Đình Vũ đang thấp hơn so với chuẩn tắc thiết kế từ 0,2 – 0,5m, chúng tôi đã phải cắt hàng từ 100 đến 250 TEU/chuyến để vừa thuận lợi vào cảng vừa đảm bảo an toàn. Nếu duy trì trong thời gian dài điều này sẽ gây rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Nạo vét ngay khi bồi lắng thay vì 1 năm/lần

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Công trình hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, các luồng hàng hải khu vực phía Bắc bao gồm 6 tuyến: Hải Phòng, Hải Thịnh, Thuận An, Cửa Việt, Nghi Sơn và Phà Rừng. Trong đó, 2 tuyến luồng Hải Thịnh và Thuận An hiện đã hoàn thành thi công nạo vét đến chuẩn tắc thiết kế và đang hoàn thiện hồ sơ để tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng, 4 tuyến luồng còn lại đã được khởi công xây dựng.

Đối với các luồng hàng hải phía Nam, 2 tuyến luồng: Vũng Tàu – Thị Vải (bao gồm luồng hàng hải Sông Dinh) và luồng Rạch Giá hiện đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu. Tại luồng hàng hải Quy Nhơn, công tác lựa chọn nhà thầu dự kiến hoàn thành giữa tháng sau. Đến thời điểm này, luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu đang được hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

Công tác duy tu thuận lợi là khi tranh thủ được thời tiết tốt, tìm được vị trí đổ vật liệu nạo vét kịp thời và lâu dài, tuy vậy, tại khu vực miền Bắc, hiện chỉ có 2 tuyến luồng tìm được vị trí đổ vật liệu trên bờ trong thời gian dài (5 – 7 năm) là tuyến luồng Thuận An và Hải Thịnh. Với các tuyến luồng còn lại, mỗi năm, cơ quan chức năng vẫn phải đi tìm chỗ mới, phải làm lại thủ tục từ đầu.

Để khắc phục được tình trạng luồng cạn, từ năm 2020 trở đi, công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải sẽ được thực hiện theo hình thức khoán duy trì chuẩn tắc (khoán gọn). Với hình thức này, luồng hàng hải sẽ được nạo vét ngay sau khi xuất hiện bồi lắng, duy trì độ sâu đúng chuẩn tắc thay vì chờ nạo vét 1 năm/lần như thời điểm hiện tại.

Theo đó, trong thời hạn chậm nhất 2 ngày kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc theo phản ánh yêu cầu của các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác quản lý vận hành, khai thác tuyến luồng, nhà thầu thi công nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải phải khảo sát, lập phương án nạo vét. Chậm nhất 5 ngày kể từ khi phát hiện các vị trí cạn hoặc theo phản ánh, yêu cầu của cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác quản lý nhà thầu thi công phải tiến hành nạo vét các vị trí cạn để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, thời gian hoàn thành thi công không quá 20 ngày, kể từ ngày bắt đầu triển khai thi công nạo vét khắc phục các vị trí cạn sau khi nhận được phản ánh, yêu cầu.

Trong trường hợp điều kiện thời tiết không thể thực hiện được việc khảo sát, nạo vét các vị trí cạn, chậm nhất 2 ngày kể từ ngày chấm dứt sự kiện bất khả kháng, nhà thầu phải thực hiện khảo sát, lập phương án nạo vét và tiến hành nạo vét ngay các vị trí cạn để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế tuyến luồng, thời gian không quá 20 ngày, kể từ ngày chấm dứt sự kiện bất khả kháng và bắt đầu triển khai thi công nạo vét khắc phục các vị trí cạn.

Báo Hải quan