Hồi giữa tháng 9, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua đề xuất bắt buộc các tàu biển chở hàng cỡ lớn phải mua giấy phép khí thải carbon nếu chở hàng hóa đến và đi từ châu Âu. Động thái này có thể dẫn đến các căng thẳng thương mại quốc tế.
Một tàu container ở cảng Hamburg, Đức. Theo kế hoạch mới của EU, các tàu chở hàng cỡ lớn đến và đi từ các cảng ở châu Âu có thể phải mua giấy phép khí thải carbon bắt từ năm 2022
Tàu đến và đi từ châu Âu phải trả phí khí thải
Trước đây, các hãng vận tải biển không bị đưa vào Hệ thống giao dịch khí thải Liên minh châu Âu (EU-ETS), vốn bắt buộc các nhà máy, các công ty sản xuất điện và các cơ sở sản xuất lớn khác ở 27 nước thành viên EU và Iceland, Na Uy, Liechtenstein, Anh phải trả phí thải vượt hạn mức cho phép bằng cách mua giấy phép phát thải carbon. Ngoài ra, các hãng hàng không cũng trả phí cho khí thải của các chuyến bay trong phạm vi lãnh thổ của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA).
Tuy nhiên, hôm 15-9, trong một nỗ lực thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu tán thành đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp dụng hệ thống EU-ETS đối với ngành hàng hải trong hai năm tới nhằm cắt giảm khí thải nhà kính theo chiến lược tổng thể của châu Âu.
Cụ thể, các tàu vận tải biển cỡ lớn phải trả phí khí thải mà chúng phát ra khi chở hàng hóa đến và đi từ châu Âu. Dự kiến, đề xuất này, nếu có hiệu lực, sẽ ảnh hưởng khoảng 11.500 tàu ghé các cảng ở EEA.
Đề xuất trên vẫn còn một chặng đường dài nữa trước khi có hiệu lực nhưng nó đang hứng phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ ngành vận tải biển và làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột rộng lớn hơn về thương mại. Bất cứ loại phí mới nào cũng sẽ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng biển ở châu Âu, khiến giấy phép phát thải carbon trở thành một loại thuế mới trên thực tế.
Nghị viện châu Âu giờ đây cần phải thương lượng với các nước thành viên EU về nội dung pháp lý cuối cùng của đề xuất này. Tuy nhiên, những người nắm rõ vấn đề cho biết nội bộ EC vẫn còn bất đồng về cách thực hiện nó. Đó là chưa kể nguy cơ phản đối của các nước khác.
EU từng rơi vào tình huống tương tự khi tìm cách thúc ép các hãng hàng không quốc tế phải tham gia hệ thống ETS-EU vào năm 2012. Rốt cục, EU phải nhượng bộ bằng cách chỉ áp dụng ETS-EU cho các chuyến bay trong nội bộ châu Âu sau khi vấp phải sự phản đối kịch liệt của các nước khác.
Chẳng hạn, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm các hãng hàng không Mỹ trả phí khí thải carbon khi bay vào châu Âu. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước khác cho rằng EU không có quyền tài phán để quản lý các chuyến bay ở bên ngoài châu Âu.
Lần này, với đề xuất buộc các hãng tàu biển trả phí ô nhiễm, EU tiếp tục đụng chạm vào một vấn đề nóng của thương mại toàn cầu. Vận tải biển là xương sống của thương mại toàn cầu. Các tàu biển chở các hàng hóa như dầu thô, quặng sắt, các loại lương thực và đa số hàng hóa sản xuất công nghiệp như xe cộ, đồ gia dụng, hàng dệt may, thực phẩm.
Nhưng ngành vận tải biển cũng chiếm đến 3% tổng khí thải nhà kính trên toàn cầu, tương đương mức phát thải carbon của một nước lớn, theo các tổ chức bảo vệ môi trường. Theo EU, ngành vận tải biển toàn cầu phát thải 940 triệu tấn khí CO2 mỗi năm.
Sẽ châm ngòi cho căng thẳng thương mại quốc tế
John Butler, Chủ tịch Hội đồng Vận tải biển quốc tế (WSC), có trụ sở ở Washington, cho biết theo đề xuất của EU, hàng hóa trên các tàu chịu sự chi phối của ETS-EU không chỉ là hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu của châu Âu là còn hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu từ các đối tác thương mại của EU. Ông nói: “Điều này sẽ gây ra các căng thẳng thương mại và làm nảy sinh các lo ngại ngoại giao và pháp lý về phạm vi địa lý của phí khí thải do EU đơn phương áp dụng”.
Lars Robert Pedersen, Phó Tổng thư ký Hiệp hội vận tải biển quốc tế BIMCO, có trụ sở ở Copenhagen, Đan Mạch, cho rằng theo kế hoạch của EU, các tàu hàng rời EU có thể phải trả phí khí thải carbon cho xuyên suốt hành trình đi đến vùng biển của các nước khác như Mỹ và Trung Quốc và sau đó, họ phải tiếp tục trả phí này một lần nữa khi chở hàng trở về EU.
Ông nhận định: “Đó là một loại thuế thương mại vì bạn muốn các công ty ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil phải đóng góp cho sự phục hồi kinh tế của châu Âu bằng cách trả thuế carbon”. Ông dự báo EU sẽ đối mặt với sự chống đối của các nước bên ngoài châu Âu nếu buộc các tàu treo cờ nước ngoài tham gia hệ thống EU-ETS.
Ngân hàng đầu tư Clarksons Platou Securities (Na Uy), ước tính kế hoạch của EU sẽ khiến chi phí vận hành của một tàu chở dầu tăng thêm ít nhất 4.000 đô la Mỹ/ngày. Các hãng vận tải biển có thể chuyển chi phí này sang cho các chủ hàng và rốt cục người tiêu dùng sẽ lãnh đủ vì giá cả hàng hóa sẽ tăng cao.
Động thái của EU diễn ra giữa lúc Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), một cơ quan của Liên Hợp Quốc, cũng tiến hành các biện pháp riêng để giảm khí thải trong hoạt động vận tải biển. Quy định mới của IMO, có hiệu lực trong năm nay, yêu cầu ngành vận tải biển phải cắt giảm hơn 80% mức phát thải khí lưu huỳnh. Điều này có nghĩa là các tàu vận tải biển cỡ lớn phải sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp và có chi phí đắt hơn hoặc phải lắp đặt hệ thống lọc khí xả (EGCS) để gạn lọc và giữ lưu huỳnh lại trên tàu.
Cho đến nay, ngành vận tải biển không có đủ nhiên liệu sạch hay thiết bị EGCS cần thiết để đạt mục tiêu tham vọng đó. Các lãnh đạo ngành hàng hải cho biết để đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải nghiêm ngặt, các hãng tàu phải đầu tư hàng chục tỉ đô la cho công nghệ mới.
IMO từ chối bình luận chi tiết về kế hoạch của EU và tổ chức cho rằng các quy định về chính sách liên quan đến khí thải phải được thực hiện thống nhất trên toàn cầu. Người phát ngôn IMO nói: “Tàu biển vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới và bất cứ kế hoạch quản lý mang tính đơn phương hoặc khu vực xung đột với các quy định của IMO có thể cản trở các mục tiêu cắt giảm khí thải”.