“Để được đi biển, em đã phải thuyết phục mẹ trong thời gian rất dài. Nên khi biết mình mắc Covid-19, ngoài tâm trạng rất “sốc”, em không khỏi lo lắng khi nghĩ về mẹ”, Ngô Văn Tiến thuyền viên tàu Đông Phú tâm sự.
Thuyền viên tàu Đông Phú về đến Việt Nam
Ngô Văn Tiến (sinh năm 1996) là một trong số 21 thuyền viên tàu Đông Phú (thuộc Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô). Vừa rồi, trên hành trình từ cảng Obi Island (Indonesia) đến cảng Kaohsiung (Đài Loan), tàu Đông Phú có tổng cộng 19/21 thuyền viên mắc Covid-19. Tất cả thuyền viên đều được công ty bố trí về Việt Nam điều trị.
Trong số những người mắc Covid-19, Tiến là trường hợp đầu tiên được xuất viện. Việc đầu tiên Tiến nghĩ đến đó là về nhà ở huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông). Ở đó có mẹ và em gái nhỏ đang mong nhớ anh từng ngày. Do dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách nên chuyến xe chở Tiến về quê phải dừng lại ở Quảng Bình.
Tiến kể bằng giọng đặc sệt miền Trung: “Khi tàu tới Trung Quốc, em có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt. Trước đó, em nghĩ mình chỉ bị cảm cúm do thời tiết mưa bão liên tục. Khi biết mình mắc Covid-19, em rất choáng váng”.
Tiến nghe kể về những người mắc Covid-19 tử vong nhưng không ngờ lần này chính anh lại bị lây nhiễm. Tiến và các thuyền viên trên tàu đối diện với tình thế nguy hiểm: Nước sở tại không chăm sóc y tế đầy đủ cho các thuyền viên nước ngoài; trên tàu thiếu phương tiện, thuốc và trang thiết bị y tế nếu bệnh tình trở nặng, trong khi đó đường về còn rất xa. Mỗi thuyền viên, mỗi con tàu bị lây nhiễm Covid-19 lúc này là điều rất đáng ngại. Không nói ra, nhưng Tiến và các đồng nghiệp đều hoang mang, lo lắng.
Tiến còn trọng trách phải gánh vác gia đình. Quê Tiến ở huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình). Bố Tiến mất đã lâu. Do hoàn cảnh khó khăn, Tiến cùng mẹ và em gái phải rời quê vào Đắk Nông tìm kiếm việc làm. Ba mẹ con Tiến vẫn sống trong căn nhà gỗ đơn sơ. Nhà cũng có trồng cà phê nhưng diện tích nhỏ nên thu nhập không đáng kể. Mẹ và Tiến phải đi làm thuê kiếm sống. Tiến là chỗ dựa của mẹ và em gái. Trong ký ức, Tiến không thể quên những lần nhìn thấy mẹ khóc thầm.
“Mẹ mạnh mẽ bề ngoài nhưng yếu đuối ở bên trong. Mới 50 tuổi nhưng nắng gió và sự vất vả khiến dáng người mẹ khắc khổ. Phải gánh vác việc gia đình nên mẹ không tránh khỏi tủi thân mà không tâm sự được cùng ai. Mỗi lần thấy mẹ khóc, em không biết làm thế nào. Em hiểu, mẹ buồn nhưng vẫn cố cười. Vì mẹ nghĩ, cuộc sống là thế và phải cố gắng vượt qua” – Tiến tâm sự.
Thương mẹ vất vả, Tiến chỉ học hết cấp 3 rồi đi làm thuê. Mấy năm nay, dịch bệnh khiến nông sản mất giá. Cuộc sống gia đình càng khó khăn. Tiến nhờ bạn bè ở Quảng Bình giới thiệu để đi biển.
“Lúc đầu mẹ chẳng đồng ý đâu. Vì em là con trai trong nhà, giờ lại đi xa biền biệt. Mẹ rất mong em lập gia đình để nhà bớt trống vắng. Em thuyết phục mấy tháng trời mẹ mới đồng ý cho đi biển. Ở nhà kiếm tiền khó khăn, em đi mấy năm, nếu thu nhập và công việc ổn định sẽ có tiền lo cho gia đình”, Tiến cho biết.
Rời tàu, thuyền viên ngoái đầu nhìn và nhớ lại hành trình đầy căng thẳng từ Đài Loan về Việt Nam.
Từ ngày ký hợp đồng lao động, Tiến được công ty trả lương 12,1 triệu đồng/tháng. Trừ tiền bảo hiểm, mỗi tháng Tiến còn hơn 11 triệu đồng. Là thuyền viên vất vả nên chế độ đãi ngộ đầy đủ và thu nhập ổn định. Dù phải xa gia đình nhưng mỗi lần gửi tiền về cho mẹ, lòng Tiến ngập tràn hạnh phúc.
“Dịch bệnh khiến công ty khó khăn nên em phải cố gắng làm tốt công việc của mình. Em luôn nhớ những kỷ niệm ngày còn ở nhà với mẹ. Nên khi mắc Covid-19, người đầu tiên em nghĩ đến là mẹ nhưng không dám báo tin vì sợ mẹ lo lắng. Phải đến khi về đến Việt Nam, được vào bệnh viện em mới dám gọi điện thông báo” – Tiến chia sẻ.
Suốt hành trình từ Đài Loan về Việt Nam, Tiến lo lắng bệnh tình của mình không biết sẽ diễn biến thế nào. Mỗi ngày chỉ uống thuốc hạ sốt, ăn cháo để chống chọi với bệnh tật. Không được làm việc khiến Tiến cảm nhận thời gian dài vô tận. Khi tàu cập cảng Hải Phòng, Tiến mừng rơi nước mắt.
Những ngày điều trị tại bệnh viện, Tiến chăm chỉ tập luyện để nhanh chóng bình phục, xuất viện và về nhà. Tiến là người được xuất viện sớm hơn so với các thuyền viên khác. Trên chuyến xe về quê, Tiến mong từng phút giây để được gặp mẹ. Nhưng vì dịch bệnh, không có xe về Đắk Nông nên Tiến còn cách xa mẹ cả nghìn cây số. Không thể làm gì khác, Tiến đành nén lòng lại và chờ đợi. Ước mong trở về, cho mẹ thấy mình vẫn bình an cứ lớn lên trong anh.
Anh P.V.T – Thuyền trưởng tàu Đông Phú cho biết, Tiến là một trong hai thuyền viên có quê ở xa và hành trình trở về nhà còn đầy trắc trở do dịch bệnh. Vượt qua hành trình đầy căng thẳng, các thuyền viên đã trở về nhà và sức khỏe tiến triển tốt. Những khi ốm đau, bệnh tật, gia đình là nơi trở về và tiếp thêm động lực cho họ để tiếp tục bước vào những hành trình luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19.