Mở lối cho hoạt động vận tải biển

4/03/19 2:59 AM

Những năm qua, đội tàu biển Việt Nam đã phát triển theo hướng ngày càng chuyên dụng hóa, vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 thế giới. Tuy nhiên, hiện nay đội tàu mới chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải nội địa và các tuyến vận tải quốc tế ngắn. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển vẫn thua lỗ kéo dài. Vì thế, Bộ Giao thông – Vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đang tập trung nghiên cứu các phương án nhằm mở lối cho hoạt động vận tải biển.

Hiện tại, đội tàu biển của Việt Nam có 1.593 tàu (trong đó tàu vận tải hàng hóa là 1.128 tàu). Theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), năm 2018 đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia, Malaysia) và thứ 30 thế giới. Tuổi tàu bình quân của Việt Nam là 14,7 tuổi, trẻ hơn 6,1 tuổi so với thế giới (theo số liệu của UNCTAD, tuổi tàu bình quân của thế giới là 20,8 tuổi).

Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện đạt hơn 144 triệu tấn, tăng gần 11% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải. Đảm nhận gần 100% lượng hàng hóa vận tải nội địa bằng đường biển, song đội tàu Việt Nam chỉ đảm nhận chưa được 10% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn đi các cảng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vận tải biển vẫn chưa thoát khỏi khó khăn vì thời gian tới giá cước vẫn chỉ tương đương 1/10 so với giá cước của năm 2008 do thị trường tiếp tục dư thừa nguồn cung tàu. Thị trường truyền thống của đội tàu Việt Nam đi Philippines, Malaysia… đa số có tỷ suất lợi nhuận thấp. Với các tuyến có giá cước khá như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, nhiều tàu Việt Nam rất khó tiếp cận do không đáp ứng được yêu cầu khắt khe khi vào các cảng ở khu vực này.

Thừa nhận khó cạnh tranh với các đội tàu trọng tải lớn, hiện đại trên thế giới, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Công cho rằng, đội tàu biển Việt Nam tham gia vận tải quốc tế hầu hết là tàu đã qua sử dụng được các doanh nghiệp đầu tư mua lại vào giai đoạn từ trước năm 2008-2010 để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa quốc tế tại thời điểm đó. Xu thế của thế giới hiện nay là theo hướng “container hóa” thì các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam lại chủ yếu là tàu hàng rời. Khó khăn về tài chính nên doanh nghiệp không đủ nguồn đầu tư để nâng cấp đội tàu, trong khi việc vay vốn từ các ngân hàng khó khăn do lãi suất cao và các doanh nghiệp vẫn đang nợ đọng. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải biển thiếu sự liên kết với chủ hàng. Nguồn hàng không ổn định, hợp đồng ký kết vận tải với khách hàng thường chỉ trong thời gian ngắn khoảng 2-3 năm nên chủ tàu không dám đầu tư đóng mới tàu.

Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động vận tải biển Việt Nam? Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển, Cục đang nghiên cứu, đề xuất Bộ Giao thông – Vận tải kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn thuế cho các doanh nghiệp vận tải biển nhằm cơ cấu đội tàu theo hướng quy mô, hiện đại. Thời gian tới, Cục cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, vận tải để tận dụng tối đa các tàu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến nội địa. Các tuyến vận tải mới như tuyến ven biển từ Việt Nam sang Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; tuyến vận tải biển Bắc – Nam để vận tải trái cây bằng container đông lạnh từ Đồng bằng sông Cửu Long sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ tại Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ được hình thành nhằm mở lối phát triển cho đội tàu biển Việt Nam…

Cũng nhằm gỡ khó cho hoạt động vận tải biển, thời gian tới, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu có vốn nhà nước thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, yêu cầu các bộ, ngành đề nghị chủ hàng dành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện; đồng thời, kiến nghị Chính phủ một số chính sách như cho các doanh nghiệp vận tải biển vay vốn đầu tư, nâng cấp đội tàu từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp khoanh nợ cũ, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi; miễn thuế nhập khẩu đối với các vật tư, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển mà Việt Nam chưa sản xuất được…

Báo Hà Nội Mới