Tết đến, Xuân về là dịp người lao động mong ngóng trở về sum vầy với gia đình, người thân, bạn bè. Nhưng với nhiều thuyền viên, đó là thời điểm khởi hành cho những chuyến tàu của năm mới và hành trình dài, biền biệt xa nhà.
“Xa nhà dịp Tết, người em thương nhất là mẹ”
“Để được đi biển, em đã phải thuyết phục mẹ trong thời gian rất dài. Nếu phải xa nhà vào dịp Tết, em không khỏi bâng khuâng nghĩ về mẹ”, thuyền viên Ngô Văn Tiến – Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô tâm sự.
Thuyền viên Ngô Văn Tiến – Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô
Ngô Văn Tiến (sinh năm 1996) làm thuyền viên từ hơn 1 năm trước. Quê Tiến ở huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình). Bố em mất đã lâu, do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ con phải rời quê vào Đắk Nông tìm kiếm việc làm. Nhà cũng có trồng cà phê nhưng diện tích nhỏ nên thu nhập không đáng kể. Mẹ và em từng phải đi làm thuê kiếm sống. Em không chỉ là chỗ dựa vật chất, mà còn là chỗ dựa tinh thần của mẹ và em gái.
Mấy năm nay, dịch bệnh khiến nông sản mất giá. Cuộc sống gia đình càng khó khăn. Tiến nhờ bạn bè ở Quảng Bình giới thiệu để đi biển. Lúc đầu, mẹ Tiến không đồng ý vì em là con trai trong nhà, giờ lại đi xa biền biệt. Mẹ rất mong Tiến lập gia đình để nhà bớt trống vắng. Tiến phải thuyết phục mấy tháng trời mẹ mới đồng ý cho đi biển. Tiến tính toán, ở nhà kiếm tiền khó khăn. Tiến đi biển mấy năm, thu nhập và công việc ổn định sẽ có tiền lo cho gia đình. Từ ngày Tiến xuống tàu, nhà chỉ còn mẹ và em gái nhỏ, càng trống vắng.
“Trong ký ức, em không thể quên những lần nhìn thấy mẹ khóc thầm. Mẹ mạnh mẽ bề ngoài nhưng yếu đuối ở bên trong. Phải gánh vác việc gia đình nên mẹ không tránh khỏi tủi thân. Mỗi lần thấy mẹ khóc, em dặn lòng phải trở thành trụ cột của gia đình. Đã bao cái Tết chỉ có mấy mẹ con chăm lo cho nhau. Từ ngày đi tàu, em đón Tết cùng anh em, không ở gần mẹ. Đó là điều trong lòng em trăn trở khi Tết đến, Xuân về” – Tiến tâm sự.
Mỗi chuyến tàu đều có gia đình ở phía sau
Hơn 10 năm cùng nhau xây dựng gia đình, chị Phạm Thị Thanh Mai – vợ máy trưởng Phạm Văn Hưng (tàu Sunrise, Công ty Vận tải biển VIMC) thường đón cái Tết vắng chồng.
Năm 2009, anh Hưng đi tàu về, hôn lễ của anh chị diễn ra. Thời điểm mới cưới, anh Hưng chỉ ở nhà gần 6 tháng rồi lại đi biền biệt cả năm trời. Khi trở về, con gái đầu lòng đã 10 tháng tuổi. Khi chị Mai còn chưa biết mình mang thai con thứ hai, anh Hưng lại xuống tàu. Lúc anh trở về thì con gái đã 2 tháng tuổi.
Chị Phạm Thị Thanh Mai và anh Phạm Văn Hưng
Các con lần lượt chào đời trong lúc anh Hưng đi tàu. Cha mẹ, vợ con anh Hưng thường xuyên đón những cái Tết khi anh đang làm nhiệm vụ trên tàu. Những lúc ấy, dù có cha mẹ hai bên nhưng trong lòng chị Mai không khỏi tủi thân vì thiếu vắng người chồng. Tuy nhiên, chị thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn, vất vả của chồng, để rồi tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn để là chỗ dựa bình yên cho các anh sau mỗi chuyến hải hành đầy áp lực. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, gác lại thiệt thòi của bản thân, chị luôn động viên chồng đã yêu nghề thì hãy cống hiến, cháy hết mình để đóng góp cho Công ty, Tổng công ty.
“Ngày trẻ, đọc sách nhiều và có phần mộng mơ được du ngoạn bốn phương nên tôi chọn nghề hàng hải. Sau 30 năm bôn ba trên biển, dù trải qua nhiều vất vả cùng anh em nhưng tôi vẫn thích, vẫn yêu nghề”, ông Đỗ Đức Thuận, từng là sĩ quan máy của tàu Mỹ Hưng, Công ty CP Vận tải biển Vinaship cho biết.
Ông Đỗ Đức Thuận không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến tàu trong cuộc đời, nhưng chuyến tàu cuối cùng khiến ông không thể nào quên. Làm sĩ quan máy trong nhiều năm, ông Đỗ Đức Thuận gắn bó với nhiều con tàu, trong đó có tàu Mỹ Hưng.
Đối với những chuyến tàu khởi hành xuyên Tết, sĩ quan máy càng phải tăng cường kiểm tra, định kỳ bảo dưỡng, theo dõi hoạt động của máy nhằm đảm bảo không xảy ra sự cố. Nếu cảm thấy không yên tâm về hoạt động của máy, khi tàu cập cảng, ông đề nghị kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn trong quá trình hải hành. Cái Tết thật sự của ông là được thường xuyên thấy chi tiết hoạt động trơn tru, tiếng máy êm dịu, có tròn máy, tròn tua.
Hơn 30 năm theo những chuyến tàu, có những thời kỳ ngành Hàng hải rơi vào khó khăn, suy thoái, công việc và thu nhập của thuyền viên bị ảnh hưởng. Nhưng chưa một cái Tết nào Công ty, Công đoàn để anh em thiếu vắng hương vị Tết cổ truyền. Mỗi chuyến tàu ra khơi trong dịp Tết luôn được doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nhất là lá dong, thịt, đỗ, dưa hành… để thuyền viên đón Tết ấm áp trên tàu.
Chuyến đi xa kéo dài cả năm trời nên vào thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới, tình cảm chỉ được truyền tải phần nào qua điện thoại đến với người thân. Nhưng, với ông, đó cũng chính là kỷ niệm đẹp của cuộc đời thủy thủ nhiều sóng gió khiến ông trở về nhà với tâm thế tự tin và tự hào về những gì mình đã làm được.
“Gia đình là nơi trở về, nghỉ ngơi của tôi sau mỗi hành trình dài. Được tiếp năng lượng từ hậu phương, tôi lại cố gắng hơn mỗi ngày” – anh Đặng Quốc Hưng – Máy trưởng tàu Vosco Star thuộc Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam chia sẻ.
Thuyền viên gói bánh chưng, đón Tết trên tàu
Như bao sĩ quan, thuyền viên đang ngày đêm bám biển, bám tàu, anh Đặng Quốc Hưng không tránh khỏi những giây phút nhớ gia đình, nhất là vào thời khắc giao thừa, năm mới sang. Anh luôn nhớ về bố mẹ, vợ con – những người anh thương yêu nhất. Hơn 20 năm lênh đênh cùng con sóng, nhưng anh luôn động viên mình và người thân nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần làm giàu cho đất nước, quê hương, đơn vị và gia đình.
Thường xuyên phải xa gia đình nhưng anh Hưng luôn thấy mình may mắn vì anh có bố mẹ động viên, con ngoan và đặc biệt là người vợ hiền chia sẻ, thấu hiểu và đảm đang. Những cuộc sum họp gia đình ngày Tết diễn ra trên màn hình điện thoại, nhưng ai nấy đều động viên anh yên tâm công tác, cống hiến cho Công ty, cho nghề nghiệp mà anh theo đuổi.
Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thăm và chúc tết các thuyền viên
“Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những sự hi sinh thầm lặng nơi hậu phương của các thuyền viên. Đó là những người cha, người mẹ, người vợ, người con chấp nhận thiệt thòi về tình cảm để các anh yên tâm công tác. Tôi muốn nói với hậu phương của những người thủy thủ rằng, những người con, người chồng, người cha của chúng ta đang làm công việc đáng tự hào. Họ là những người góp phần duy trì hoạt động kinh doanh, thương mại toàn cầu. Nhờ họ mà những hàng hóa, đồ dùng thiết yếu đến được hàng tỉ người trên thế giới. Nếu ngày nào đó, những người thủy thủ lại thôi thúc vì nỗi nhớ biển khơi thì mong rằng hậu phương hiểu được nỗi niềm, trách nhiệm lớn lao mà họ đang gánh vác.
Chúng tôi tin tưởng rằng gia đình các sĩ quan, thuyền viên sẽ lan tỏa nét văn hóa tốt đẹp này, góp phần tạo nên những thế hệ thuyền viên tương lai” – ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết.