Tọa đàm “Tháo điểm nghẽn – khơi thông đường thủy nội địa”

3/11/18 3:14 AM

Trong khi các phương thức vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải đang chịu nhiều áp lực thì vận tải thủy nội địa lại đang bị bỏ ngỏ. Thực tế cho thấy hệ thống đường thủy Việt Nam đang đảm nhiệm 30% tổng lượng hàng hóa lưu chuyển nội địa trong nước, tốc độ tăng trưởng trung bình của vận tải thủy nội địa từ 8% -12%/năm nhưng nguồn vốn đầu tư cho hệ thống đường thủy chỉ ở mức “nhỏ giọt”…

Vậy làm thế nào để đến năm 2020, đường bộ chỉ còn đảm nhận 54,4% thị phần, đường sắt 4,3%, đường thủy nội địa tăng lên 32,4% như Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực vận tải giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025 đã đặt ra? Ngày 2/11, Báo Đại biểu nhân dân đã tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề ”Tháo điểm nghẽn – Khơi thông đường thủy nội địa” với mong muốn đưa giao thông vận tải thủy nội địa phát triển tương xứng với tiềm năng, vai trò to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và của đất nước.

Là Tổng công ty hiện đang quản lý và khai thác một đội tàu biển có tổng trọng tải hơn 2 triệu tấn, gồm các tàu vận chuyển hàng rời, tầu chở dầu và tàu container, theo đó đội tàu của Vinalines hàng năm chuyên chở tới 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm,  Chủ tịch HĐTV Lê Anh Sơn cho biết với vai trò là nhà vận tải, logistics mang tính kết nối thì giao thông đường thủy nội địa là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với Việt Nam. Đây được coi như một nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý của Việt Nam.


Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Chúng tôi là nhà vận tải và khai thác cảng trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt có cảng Nước Sâu, cảng khu Cái Mép – Thị Vải, tại cảng Cái Mép – Thị Vải chúng tôi đón siêu tàu trọng tải 200.000 tấn và là một trong 19 cảng trên toàn cầu đón được loại tàu này. Nếu thiếu sự kết nối của đường thủy nội địa thì sẽ gây tắc nghẽn toàn diện và tổn thất về mặt kinh tế vô cùng lớn. Đối với vận chuyển hành khách, tiềm năng tại ĐBSCL hiện nay vẫn chưa khai phá được, vẫn đang tổ chức manh mún. Đối với tính kết nối, loại hình vận tải này giúp chúng tôi giảm chi phí rất nhiều, cụ thể: Tuyến Hải Phòng – Việt Trì giảm 1/3 chi phí so với đường bộ; Tuyến cảng Cái Lân – Hải Phòng chỉ bằng 1/5 chi phí đường bộ… Trong lĩnh vực khai thác logistics và đặc biệt với người tiêu dung cuối cùng thì đây là hiệu quả kinh tế hết sức to lớn.

Vừa rồi, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hệ thống taxi nước nhưng chỉ hạn hẹn ở một số điểm. Hiện nay, chúng tôi đang vận chuyển cán bộ công nhân viên từ TP Hồ Chí Minh xuống các cảng khu vực Cái Mép bằng 2 đườg chính nhưng hiện nay đường thủy nội địa vẫn đang hạn chế phát triển và chưa có phương tiện nào phù hợp. Khi sang thăm nước ngoài, phương tiện đi lại của họ không tạo sóng nhiều, vừa đi trên đường thủy lại có thể đi trên bộ, tôi nghĩ đó cũng là giải pháp rất hay để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông đang nhức nhối tại khu vực miền Nam.

Cũng tại buổi tọa đàm các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã chia sẻ ý kiến và đưa ra những giải pháp để giao thông đường đường thủy được khơi thông, phát huy được thế mạnh trong thời gian tới với mục tiêu định hướng đến năm 2020 tập trung phát triển tối đa lợi thế của đường thủy nội địa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để giao thông đường thủy nội địa bảo đảm kế hoạch đến năm 2020 vận chuyển được 190 – 210 triệu tấn hàng hóa và từ 530 – 540 triệu hành khách thì Nhà nước cần có chính sách linh hoạt, cần quan tâm thực hiện những giải pháp đầu tư mang tính toàn diện, đồng bộ và chiến lược lâu dài để giao thông đường thủy nội địa góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng.

Chi tiết Tọa đàm ”Tháo điểm nghẽn – Khơi thông đường thủy nội địa”  xem tại đây.