Tranh cãi việc tăng giá dịch vụ cảng biển

2/06/20 9:35 AM

Một trong những điểm mới tại Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này là đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container.

Giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam vẫn thuộc top thấp nhất so với các nước trong khu vực dù chất lượng hạ tầng, trang thiết bị cảng biển tương đương (Trong ảnh: Cảng CICT)

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 54/2018 về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu bến, phao, neo, bốc dỡ container, lai dắt tại cảng biển Việt Nam mà Cục Hàng hải VN mới trình Bộ GTVT nhận nhiều ý kiến trái chiều từ hiệp hội, doanh nghiệp cảng biển.

Đồng loạt tăng giá bốc dỡ container tại cảng nước sâu

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ Hàng hải cho biết, Cục Hàng hải VN đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018 do Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao, neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Theo ông Cường, một trong những điểm mới tại Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này là đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container (cont’).

Hiện nay, mức giá tại khu vực I (cảng biển khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) đang thấp nhất cả nước, bằng 72% khu vực II (cảng biển khu vực từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) và bằng 80% khu vực III (TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu…).

Đáng nói hơn, con số này cũng chỉ bằng 30 – 60% giá của các nước trong khu vực (Thái Lan 59 USD/cont’ 20 feet, 91 USD/cont’ 40 feet; Campuchia 65 USD/cont’ 20 feet, 99 USD/cont’ 40 feet; Singapore 111 USD/cont’ 20 feet, 159 USD/cont’ 40 feet). Trong khi đó, các hãng tàu nước ngoài đang thu phí làm hàng tại cảng biển (THC) đối với chủ hàng xuất nhập khẩu trong nước từ 100 – 120 USD/cont’ 20 feet và 150 USD/cont’ 40 feet và trả cho cảng mức giá khoảng 30%.

Do vậy, Cục Hàng hải VN đề xuất tăng giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container xuất nhập khẩu, trung chuyển khu vực I (không bao gồm Lạch Huyện) lên 10%, từ 33 USD/cont’ 20 feet, 50 USD/cont’ 40 feet lên 36 USD/cont’ 20 feet, 55 USD/cont’ 40 feet”, ông Cường thông tin.

“Ngoài ra, theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) cảng biển, mức giá bốc dỡ container tại các cảng nước sâu Lạch Huyện, Cái Mép – Thị Vải còn rất thấp, chỉ bằng 45 – 80% các nước trong khu vực, trong khi quy mô về trang thiết bị, năng lực cảng tương đương. Để hỗ trợ DN có nguồn vốn tái đầu tư cơ sở hạ tầng, Cục Hàng hải VN đề nghị tăng 10% giá bốc dỡ container tại hai khu vực cảng trung chuyển quốc tế này.

Cụ thể, giá bốc dỡ container xuất nhập khẩu, trung chuyển tại Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải đề xuất tăng từ 52 – 60 USD/cont’ 20 feet lên 57 – 66 USD/cont’ 20 feet; container 40 feet tăng từ khung 77 – 88 USD lên 85 – 97 USD. Container trên 40 feet tăng từ 85 – 98 USD lên 94 – 108 USD”, ông Cường thông tin.

Cũng theo ông Cường, thời gian qua, cảng chuyên dụng phục vụ tàu khách của Công ty TNHH Quản lý Cảng khách quốc tế Hạ Long được đầu tư, đưa vào khai thác. Do đó, Cục Hàng hải VN đã kiến nghị bổ sung khung giá đối với hành khách tại cảng chuyên dụng này với mức tối thiểu là 3,5 USD/người, tối đa là 7 USD/người. Đối với hành khách tại cảng đón tàu hàng kết hợp tàu khách, Cục Hàng hải VN kiến nghị giữ nguyên khung giá từ 2,5 – 3,5 USD/người.

Tuy vậy, do dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành Hàng hải, vừa qua Hiệp hội DN châu Âu kiến nghị không điều chỉnh tăng giá dịch vụ trong giai đoạn 2020 – 2021 để hỗ trợ các hãng tàu duy trì hoạt động kinh doanh. Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải VN đề xuất lộ trình áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Nên tăng “nhảy vọt” để tiệm cận với khu vực?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho rằng, dự thảo điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam vẫn chỉ bằng 30 – 40% phí THC mà các hãng tàu thu của chủ hàng Việt Nam.

Theo ông Lân, hiện chuỗi cung ứng toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang các nước khác tại khu vực châu Á sau thời gian xảy ra dịch Covid-19, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng. Tuy nhiên, nước ta mới chỉ có hai cảng nước sâu là Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải, chiếm khoảng 20% khối lượng hàng xuất nhập khẩu. Nhu cầu đầu tư hạ tầng cảng để nâng cao năng lực trung chuyển hàng hóa quốc tế còn rất lớn.

“Do đó, giá bốc dỡ container cần được điều chỉnh tiệm cận với khu vực càng nhanh càng tốt. Chúng ta không nhất thiết tăng theo lộ trình “nhỏ giọt” từ 10 – 20% mà phải căn cứ vào tình hình thực tế, chớp thời cơ từ 30 – 50% để lấy cơ sở xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài phát triển hạ tầng cảng biển Việt Nam trong thời gian sớm nhất”, ông Lân nói và cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ tại cảng biển không nên căn cứ vào khu vực mà cần phải xét trên quy mô đầu tư. Quy mô đầu tư, năng lực tiếp nhận tàu càng lớn thì đơn giá dịch vụ phải tương ứng để DN cảng không bị thiệt thòi.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng Nam Hải – Đình Vũ lại đồng tình với đề xuất tăng khung giá bốc dỡ container lên 10% của Cục Hàng hải VN. “Thực tế, thời điểm hiện tại, giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực Lạch Huyện không quá cao so với các cảng phía trong (cảng Hải Phòng, cảng Đình Vũ, Nam Hải – Đình Vũ, Vip Green…). Do đó, nếu giá dịch vụ các cảng container phía trong luồng Hải Phòng tăng cao sẽ không có sức cạnh tranh với cảng Lạch Huyện”, ông Tuấn nói.

Đối với giá hành khách thông qua cảng biển, đại diện cảng Đà Nẵng và cảng Chân Mây đều cho rằng, đề xuất giữ nguyên khung giá đối với khách du lịch là hợp lý.

Ông Huỳnh Văn Toàn, TGĐ Công ty CP Cảng Chân Mây tiết lộ, hiện cảng Chân Mây mới chỉ thu giá dịch vụ qua cầu cảng, bến, phao neo đối với hành khách du lịch trên tàu quốc tế bằng 1/2 khung giá tại Thông tư 54/2018 (2USD/người) và sau đợt dịch này, đơn vị đang thông báo tới các hãng tàu sẽ tăng lên 3,5 USD/người.

“Mặc dù mức giá này thấp hơn các cảng trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (8 – 15 USD/người) song hầu hết các cảng ở Việt Nam đều đón tàu khách kết hợp tại cầu cảng đón tàu hàng nên việc tăng giá quá cao sẽ vấp phải phản ứng từ các hãng tàu du lịch. Vì vậy, việc tăng giá cần đi theo một lộ trình, khi các hãng tàu chấp nhận mức “kịch sàn” tại khung giá cũ mới nên cân nhắc xây dựng khung giá mới”, ông Toàn nói.

Báo Giao thông