Vận tải biển: Hàng hóa sụt giảm, thủy thủ mệt mỏi mà không thể về nhà

17/04/20 10:00 AM

Những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Bên cạnh hàng không, du lịch, ngành vận tải hàng hóa đường biển cũng đang chịu ảnh hưởng lớn khi nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ chịu thua lỗ tới hàng tỷ USD.

“Sự thịnh vượng của ngành vận tải biển gắn liền với Trung Quốc. Và khi quốc gia này ngưng hoạt động, toàn bộ mạng lưới chắc chắn sẽ chịu tác động lớn.” –  Đây là nhận xét của nhiều chuyên gia về ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới ngành vận tải biển toàn cầu.

Theo hiệp hội vận tải quốc tế ICS, 90% lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua đường biển. Và trong ngành này, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng khi sở hữu nhiều cảng biển lớn nhất nhì thế giới như cảng Thượng Hải, Thâm Quyến hay Thiên Tân.

Trong tháng 1, ngành vận tải biển vẫn chưa gặp nhiều ảnh hưởng. Phải tới khi nhiều tỉnh thành Trung Quốc bắt đầu phong tỏa, nhiều cảng biển phải ngưng hoạt động, khi đó ngành vận tải biển mới thấy rõ những tác động.

Tại 2 cảng biển lớn nhất Mỹ: Los Angles và Long Beach, theo hãng tin Reuters, hơn 1 nửa lượng hàng hóa tại đây được xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm đã giảm tới 22,5%, và 5,7% với xuất khẩu.

Ông Gene Seroka, giám đốc điều hành cảng Los Angeles chia sẻ: “Tình hình đang rất tệ. Tệ tới mức có thể so sánh với thời kỳ khủng hoảng kinh tế năm 2008. Lượng hàng hóa đang sụt giảm rất mạnh. Hiện giờ chúng tôi đang hoạt động chỉ 40% công suất.”

Theo tờ Newyork Times, các hãng tàu biển sẽ phải chịu tổn thất từ 800 triệu cho tới 23 tỉ USD trong năm nay. Điều làm khó các doanh nghiệp hàng hải hiện tại, đó là có quá nhiều quy định, giao thức khác nhau áp dụng tại nhiều cảng biển nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo một công ty hàng hải quốc tế có trụ sở tại Anh, thì cảng biển tại Sudan đang thực hiện lệnh giới nghiêm; biên giới hàng hải tại Lybia nhiều khả năng sẽ kéo dài việc đóng cửa trong 3 tuần tới; trong khi 2 cảng lớn tại Mozambique (Mô-dăm-bích) thì lại cấm các tàu xả chất thải ra ngoài do lo ngại chất thải có thể làm lây lan Covid-19 v.v…

Thậm chí, trong cùng một quốc gia như Úc, Mỹ hay Ấn Độ, mỗi cảng lại có một quy định khác nhau do được vận hành bởi chính quyền địa phương.

Vô hình chung, những thuyền viên trở thành nạn nhân đứng giữa một mớ bòng bong các quy định. Theo ông Stuart Neil, giám đốc một công ty Truyền thông vận tải quốc tế: “Chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh về việc các thủy thủ bị mắc kẹt. Đồng nghiệp của tôi tại Philippines đang gặp khó trong việc hồi hương khoảng 30 nghìn thủy thủ. Tại Anh cũng đang có khoảng 1 nghìn thủy thủ Ấn Độ đang tìm cách trở về nhà. Rất khó để giải quyết những vấn đề này khi đường hàng không ngưng hoạt động”.

Dù chưa có nhiều trường hợp bị nhiễm Covid-19, nhưng theo ông Neil, thời gian làm việc kéo dài quá quy định có thể gây ảnh hưởng xấu không chỉ tới sức khỏe thủy thủ, và hơn nữa là cả công việc của doanh nghiệp. Ông Neil cho biết: “Có những thủy thủ ở trên tàu hơn 10 tháng. Họ được chi trả thêm, nhưng thời gian làm việc kéo dài đã khiến họ thự sự mệt mỏi”. 

Trước tình hình đó, Liên đoàn công nhân vận tải quốc tế ITF  kêu gọi các quốc gia chấp thuận việc miễn lệnh cấm cho các thủy thủ để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hải toàn cầu được hoạt động trơn tru.

Một chút khởi sắc cho ngành vận tải biển hiện tại, đó là hiện Trung Quốc đã qua đỉnh dịch, bắt đầu khôi phục sản xuất và nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khôi phục hoàn toàn có lẽ sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Gene Seroka cho biết: “Chúng tôi hi vọng chính phủ sẽ có những kế hoạch hỗ trợ kinh tế cụ thể. Chỉ khi dịch bệnh qua đi, khi chúng ta có biện pháp cụ thể, lúc đó việc sản xuất, vận chuyển hàng hoá đường biển mới có thể được thúc đẩy và hồi phục lại như cũ được”.

VOV Giao Thông