Với Cần Giờ, TP.HCM sẽ là cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam

1/12/22 10:58 AM

TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam – điểm đến quan trọng quốc tế trong chuỗi đô thị biển Đông Nam Á thông qua phát triển đô thị xanh biển Cần Giờ.

‘Với Cần Giờ, TP.HCM sẽ là cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam’ - ảnh 1

  • Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 diễn ra sáng nay 30.11, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì

Báo cáo tại Hội nghị đô thị toàn quốc 2022 sáng nay 30.11, lãnh đạo TP.HCM cho biết TP.HCM là một đô thị đặc biệt, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, giúp mang lại sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế, nắm giữ vị trí “đầu tàu”, tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía nam…

Xét trong liên kết vùng, khu vực, xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế dịch vụ đã tạo điều kiện cho các thành phố lớn có vai trò dẫn dắt. Các ngành công nghiệp nặng, ô nhiễm có xu hướng được di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn và thay thế bằng công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ.

Tỷ trọng khu vực kinh tế dịch vụ hiện là 40 – 45% sẽ tăng lên và tăng nhanh ở các trung tâm quy mô lớn như TP.HCM (từ 60% lên 65%), tiệm cận với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn có tỷ trọng khu vực dịch vụ (trên dưới 60%).

‘Với Cần Giờ, TP.HCM sẽ là cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam’ - ảnh 2

Cần Giờ là đô thị biển chiến lược trong quá trình tiến biển của TP.HCM

Kinh tế TP.HCM còn gắn kết với tiềm năng lớn trong liên kết phát triển kinh tế biển. Năm 2020, thành phố chiếm hơn 37% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của các địa phương ven biển, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm hơn 25% tổng FDI các tỉnh, thành ven biển và gần 11% cả nước.

“TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn nhất Việt Nam – điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị – kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ”, báo cáo của TP.HCM nêu.

TP.HCM cũng đặt mục tiêu làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong Vùng triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối như đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Chơn Thành, Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Nai – Lâm Đồng; mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành; nghiên cứu xây dựng hệ thống đường sắt kết nối Vùng đô thị TP.HCM, trước mắt triển khai đầu tư đoạn Nha Trang – TP.HCM và đoạn TP.HCM – Cần Thơ.

Hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, gắn với các vùng động lực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. TP.HCM sẽ tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, nối các đoạn của Vành đai 2 và cùng với Đồng Nai nghiên cứu các cầu nối Q.7, TP.Thủ Đức với các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), nhằm mở rộng không gian phát triển ở phía đông.

Đồng thời, xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” nhằm khai thác cao nhất vai trò của cụm cảng biển số 4, khai thác lợi thế luồng nước sâu ở cửa biển Cần Giờ, bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải.