Không chỉ đón được những tàu biển lớn nhất thế giới, cụm cảng Cái Mép còn sở hữu nhiều lợi thế khác, trong đó có thủ tục nhanh gọn nhờ tăng tốc số hóa…
Kỳ tích top 7 thế giới
Đầu tháng 6/2024, thông tin cụm cảng Cái Mép được Ngân hàng Thế giới – World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence xếp thứ 7 thế giới về chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) xôn xao trong giới hàng hải.
Cụm cảng Cái Mép có nhiều cảng được đầu tư trang thiết bị hiện đại, giúp tăng năng suất, giải phóng tàu nhanh hơn
Chỉ số CPPI được đánh giá dựa trên trên các yếu tố liên quan tới thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng cùng tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng. Ngoài ra, còn cả các yếu tố như tàu lớn, công nghệ thông tin, số hóa. Bảng xếp hạng cho 405 cảng container toàn cầu trong năm 2023.
Thành tích top 7 của cụm cảng Cái Mép gây bất ngờ khi vượt qua cả những cảng trung chuyển lớn của quốc tế như Yokohama – Nhật Bản (thứ 9), Hồng Kông (thứ 15), Singapore (thứ 17).
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc Cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) khẳng định, cụm cảng Cái Mép lọt top 7 cảng container có hiệu suất hoạt động cao nhất thế giới giúp uy tín của cụm cảng được nâng cao.
Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngành hàng hải thế giới đang chịu nhiều tác động của tình hình khu vực Biển Đỏ, nhiều cảng biển lớn tắc nghẽn do các tàu phải định tuyến lại, làm thay đổi lịch trình.
“Với kết quả này, các hãng tàu, chủ hàng có thể yên tâm đưa những tuyến tàu mới và hàng hóa về Việt Nam. Đây là nỗ lực của cộng đồng cảng Cái Mép, với sự phối hợp của nhiều đơn vị từ cảng vụ, các nhà khai thác cảng, hoa tiêu, lai dắt, hải quan…”, ông Kỳ nói.
Thủ tục nhanh gọn
Đã mấy năm nay, ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu của Công ty CP Đại lý hàng hải Việt Nam (Vosa) cùng các nhân viên không còn phải vất vả cả tiếng đồng hồ ra phao lên tàu lấy giấy tờ về làm thủ tục mỗi khi tàu đến cảng biển Cái Mép nữa. Các đại lý cũng không còn tốn thời gian di chuyển và tới trực tiếp cảng vụ hàng hải để làm các thủ tục tàu thuyền, hay trực tiếp đi làm các thủ tục về kiểm dịch, hải quan… cho đối tác.
Thay vào đó, họ chỉ cần ngồi tại nhà hoặc cơ quan để làm thủ tục online, giúp các tàu không tốn thời gian chờ đợi. Có khi, công tác làm thủ tục qua mạng chỉ khoảng 30 phút, tàu đến là được vào làm hàng ngay.
Đánh giá các thủ tục hành chính được làm khá nhanh, ông Hải cho rằng, khu vực cảng biển Cái Mép đang hoạt động hiệu quả và trơn tru. Việc cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý đã tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, tăng năng suất.
Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu luôn thường trực 24/24h các ngày trong tuần để lập kế hoạch điều động, giải quyết thủ tục hành chính, chỉ định vị trí neo đậu cho tàu thuyền, tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin tai nạn, sự cố.
Một trong những yếu tố được lãnh đạo Vosa Vũng Tàu đánh giá cao là những nỗ lực của các doanh nghiệp cảng tại khu vực khi mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh số hóa, giúp việc xếp dỡ hàng hóa, giải phóng tàu nhanh chóng. Thời gian tàu nằm bến có thể giảm tới khoảng 50% so với thông thường.
Tăng tốc số hóa
Lãnh đạo cảng CMIT khẳng định, từ khi đưa vào vận hành, CMIT đã theo hướng số hóa, tự động hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Những năm qua, hàng hóa ngày càng nhiều hơn, lịch tàu dày hơn nhưng cảng vẫn duy trì được năng suất cao khi có thể xếp dỡ 130 container/giờ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) thông tin, mỗi năm, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng khoảng 3 – 5%. Cách đây mấy năm, cảng đã đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Năng suất xếp dỡ của TCIT hiện đạt khoảng 140 container/giờ và kỷ lục xếp dỡ đã đạt 239 container/giờ.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cảng tại khu vực cũng đã trang bị hệ thống quản lý container như CMS (Container Management System), TOPX (Terminal Operation Package System)… để quản lý toàn bộ dữ liệu trong hoạt động xếp dỡ, giao nhận hàng hóa.
Các phần mềm, chương trình quản lý trên cho phép lập kế hoạch tổng thể quản lý, khai thác, điều độ tàu, bến, bãi, cổng cảng cũng như điều hành phương tiện xếp dỡ… theo thời gian thực.
Việc này giúp nâng cao năng lực xếp dỡ của cảng, rút ngắn thời gian giao nhận hàng, giảm thủ tục giấy tờ và chi phí cho hãng tàu, khách hàng. Các phần mềm cũng có khả năng kết nối với hệ thống máy tính của hải quan, các hãng tàu, khách hàng nhằm trao đổi dữ liệu nhanh chóng, chính xác.
Báo Giao thông