Tập đoàn Adani của Ấn Độ mong muốn đầu tư cảng biển tại Việt Nam

24/05/23 8:33 PM

Chiều 24/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Karan Adani, Tổng Giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế, thuộc Tập đoàn Adani – một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ, đang nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ muốn đầu tư thêm 3 tỷ USD tại Việt Nam - Ảnh 3.

Tăng cường đầu tư vào các dự án cảng biển, năng lượng xanh, công nghệ số

Tại buổi tiếp đón, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tập đoàn Adani của Ấn Độ muốn đầu tư thêm 3 tỷ USD tại Việt Nam - Ảnh 2.

Trong quá trình này, Việt Nam huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Do đó, Việt Nam hoan nghênh các đối tác, trong đó có Ấn Độ quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bày tỏ niềm vinh dự được Thủ tướng tiếp đón, Tổng giám đốc Karan Adani cho biết, Adani rất quan tâm, đã dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá cơ hội và đi đến quyết định, cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực cảng biển, logistics, mà còn các lĩnh vực năng lượng, công nghệ số.

Trong đó, Adani mong muốn xây dựng hệ sinh thái cảng biển theo hướng xanh hóa và đầu tư các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam, tổng số vốn khoảng 3 tỷ USD, phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam.

Ông Karan Adani đồng tình cao với các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và cho biết Tập đoàn Adani sẽ bắt tay ngay, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, đối tác của Việt Nam để triển khai những dự án cụ thể, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả như Thủ tướng mong muốn.

Xúc tiến đầu tư các dự án cảng biển

doanh nghiệp lớn của Ấn Độ mong muốn đầu tư cảng biển tại việt nam

Trước đó, sáng 25/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với ông Karan Adani, Tổng giám đốc Công ty Cảng và Đặc khu kinh tế Adani về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, GTVT.

Cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp đoàn, ông Karan Adani cho biết, Tập đoàn Adani đầu tư nhiều lĩnh vực như năng lượng, vận tải và logistics…, mục tiêu là phát triển xanh, bền vững.

Đối với lĩnh vực GTVT tại Ấn Độ, Adani đang quản lý và phát triển 8 sân bay, phục vụ hơn 80 triệu hành khách mỗi năm; Đầu tư, khai thác 13 cảng liên hợp quốc tế và 5 khu hậu cần.

Tổng giám đốc Karan Adani cho biết, Adani đang xúc tiến dự án đầu tư cảng biển tại Việt Nam với mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Theo đó, tại cảng Liên Chiểu, Anadi dự kiến đầu tư hạ tầng kĩ thuật để có thể làm được hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và container.

“Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Bộ GTVT để có thể hiện thực hóa dự án đầu tư tại cảng Liên Chiểu một cách nhanh nhất”, ông Karan Adani nói và cho biết, sẽ tiếp tục tìm hiểu triển vọng hợp tác đầu tư tại các cảng biển khác của Việt Nam và hợp tác về nguồn nhân lực khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu viễn dương…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam – Ấn Độ nhiều năm qua, nhất là từ năm 2016, khi hai nước trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam – Ấn Độ đạt hơn 15 tỷ USD, Ấn Độ trở thành một trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Riêng lĩnh vực GTVT, hai bên đã có nhiều hợp tác với việc ký Hiệp định vận tải hàng không, nhiều chuyến bay thẳng giữa hai nước; ký Hiệp định hàng hải song phương, tổ chức vận tải chuyên tuyến…

Bộ trưởng Bộ GTVT nhận định, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cởi mở, thông thoáng nhưng số lượng doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư còn khiêm tốn. Vì vậy, sự hiện diện của Tập đoàn Adani, thương hiệu lớn của Ấn Độ tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng, mở ra triển vọng hợp tác hiệu quả hơn nữa.

Về kế hoạch đầu tư của Adani trong lĩnh vực cảng biển, trước tiên là dự án cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, Bộ GTVT luôn chào đón và hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Adani.

“Bộ GTVT mong muốn tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia với tư cách là nhà đầu tư cảng. Bộ GTVT luôn sẵn sàng giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn Adani nghiên cứu đầu tư tại cảng Liên Chiểu nói riêng và tại các cảng khác một tổ hợp gồm hai hợp phần: Cơ sở hạ tầng khai thác cảng và khu công nghiệp hậu cần sau cảng phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để phát huy hiệu quả đồng bộ.