Cách nào tạo đà cho tàu tải trọng lớn cập Cảng Cửa Lò?

14/03/23 10:04 AM

Số lượng tàu quốc tế chuyên chở container vào cập Cảng Cửa Lò trong vài năm gần đây trở nên khan hiếm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể tìm lối đi riêng bằng con đường vận tải biển qua đây…

Đây đang là thực trạng mà Nghệ An đang gặp phải khi Cảng Cửa Lò đang có nguy cơ bế tắc lượng hàng lên, xuống tàu đi nội địa và các nước trong khu vực nếu không có chính sách khơi thông đồng bộ.

Theo thống kê của Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh, trong 3 năm gần đây, hàng container ra vào Cảng còn ít, thiếu ổn định, chiếm tỷ lệ từ 30 – 40% tổng hàng hóa qua cảng và có chiều hướng giảm (từ 1,63 triệu tấn năm 2020 xuống còn 1,30 triệu tấn năm 2022) và mất cân đối giữa hàng đi và hàng đến. Thực trạng này đang dẫn đến khả năng khai thác hàng hóa 2 chiều của các hãng tàu để giảm chi phí, duy trì hoạt động thường xuyên gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, vào năm 2020, số chuyến hàng container đi 251 chuyến (sản lượng: 982.870 tấn), hàng container đến 254 chuyến (sản lượng: 651.757 tấn); năm 2021 số chuyến hàng container đi 205 (sản lượng: 872.505 tấn), số hàng container đến 204 chuyến (sản lượng: 546.821 tấn); năm 2022 số chuyến hàng container đi 206 với sản lượng 42.237 tấn và có 205 chuyến hàng container đến với sản lượng 447.797 tấn.

Chưa kể, cơ cấu hàng hoá qua Cảng Cửa Lò có sự chênh lệch quá xa, chủ yếu tập trung vào hàng nội địa với sản lượng trên dưới 2 triệu tấn trong 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, hàng xuất khẩu cũng trên dưới 1 triệu tấn và hàng nhập khẩu dao động ở mức từ 400 đến 700 nghìn tấn. Hàng quá cảnh nội địa cũng có sản lượng không khác xa hàng nhập khẩu qua Cảng Cửa Lò trong 3 năm gần đây.

Trong khi đó, đến tháng 12/2022, Cảng Cửa Lò có 05 bến tổng hợp đi vào vận hành, khai thác hàng tổng hợp, hàng rời, hàng container. Đáng quan tâm, trong số 05 bến cảng tổng hợp được đầu tư, nâng cấp, mở rộng như vậy nhưng hiện nay Cảng Cửa Lò chưa có bến container.

Mặt khác, luồng vào cảng Cửa Lò nạo vét -7,2m chỉ đảm bảo cho tàu 10.000 DWT đầy tải ra vào, do đó việc tăng năng lực khai thác hàng hóa, đón các tàu có trọng tải lớn ra vào gặp nhiều khó khăn. Còn đối với tàu 30 DWT đầy tải cập cảng đang là khách cách càng xa hơn nữa đối với hạ tầng tầng kỹ thuật ở Cảng Cửa Lò hiện nay.

Chính vì vậy, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kho bãi và những dịch vụ đi kèm thì đây cũng là “nút thắt” mà Cảng Cửa Lò lâu nay đang vướng phải khiến các hàng tàu container không thể cập cảng.

Hiện mới chỉ có 03 hãng tàu “truyền thống” đang khai thác hàng container với tải trọng dưới 1.000 TUE gồm: Vietsun, GLS, VIMC Line, hoạt động trung chuyển từ cảng Cửa Lò đến cảng TP.Hồ Chí Minh và ngược lại; vận chuyển nội địa. Hàng tàu VIMC Line đang khai thác container đi trực tiếp quốc tế từ Cửa Lò – Kolkatar (Ấn Độ) – Chitagong (Bangladesh) với tần suất hạn chế với số lượng chỉ 1 chuyến/tháng và dừng lại ở con số 7 chuyến/năm.

Cũng qua khảo sảt, tổng lượng hàng hóa qua Cảng Cửa Lò 02 năm gần đây có xu hướng giảm rõ rệt. Chỉ tính riêng trong năm 2021, năng lực khai thác của Cảng Cửa Lò mới chỉ đạt con số 12,06 triệu tấn (hàng tổng hợp là 4,65 triệu tấn; xi măng là 7,1 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,31 triệu tấn) nhưng đến năm 2022 là 11,96 triệu tấn (hàng tổng hợp là 5,60 triệu tấn; xi măng là 6,33 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,03 triệu tấn). Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến lượng hàng hoá qua Cảng Cửa Lò giảm trong 02 năm gần đây do mặt hàng xi măng, xăng dầu sụt giảm..

Còn theo báo cáo thống kê của Bộ GTVT vào hồi tháng 9/2021 cho biết trong 5 năm lại đây, sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng khu vực miền Trung ngày càng lớn nhưng phần tăng nhanh chủ yếu thuộc về Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Trong khi đó, lượng hàng hoá qua Cảng Cửa Lò (Nghệ An), trong đó có hàng và tàu container đang ngày càng khan hiếm nếu như không nói là ở mức cần báo động.

Trong khi đó, Cảng Cửa Lò là cảng quốc tế tổng hợp đầu mối quốc gia loại 1, phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, xuất nhập khẩu cho các tỉnh trong khu vực, nước bạn Lào và vùng đông bắc Thái Lan…

Báo DĐDN