Cảng CMIT, SSIT tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch

28/07/21 7:54 AM

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) và Công ty liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT)  đã khẩn trương triển khai thực hiện “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa duy trì sản xuất.

Nhân viên khi vào làm việc tại cảng CMIT phải khai báo y tế và đo thân nhiệt

Từ ngày 17/7, CMIT đã test Covid-19 cho 350 người của cảng trước khi vào cách ly theo mô hình “3 tại chỗ” (ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ), đáp ứng yêu cầu công việc trong bối cảnh dịch bùng phát. Cảng bố trí chỗ ăn nghỉ với diện tích 1.000m2 cho hơn 300 cán bộ, công nhân viên và người lao động cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát, các nơi ở đều có máy lạnh, quạt, gối, nệm…Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tài xế ra vào cũng như các tàu cập cảng.

Nhân viên Cảng CMIT trong giờ ăn tuân thủ biện pháp 5K trong phòng chống dịch

Tại SSIT, cảng đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch theo quy định, thành lập Ban chỉ đạo cấp cơ sở, thành lập Tổ an toàn Covid-19, đồng thời tổ chức tuyên truyền, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác trên và thực hiện công tác xét nghiệm sàng lọc.

“3 tại chỗ” tại Cảng SSIT

Ngay từ đầu tháng 7, cảng SSIT đã tổ chức nơi lưu trú ngay tại cảng cho hơn 250 cán bộ, công nhân viên và khoảng 150 người lao động các nhà thầu theo tinh thần văn bản chỉ thị của UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT cho biết, cảng nước sâu là cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với một nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam. Với hơn 90% khối lượng hàng hóa đi bằng đường biển. Trong đó 2/3 hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam diễn ra ở khu vực phía Nam mà CM-TV được dùng cho 100% hàng xuất khẩu đi Mỹ. Nếu cảng biển bị đóng cửa do dịch COVID-19, tàu không thể ghé, hoạt động xuất nhập khẩu bị dừng lại kéo theo nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, đề xuất tỉnh BR-VT ưu tiên cho khối CNCNV của cảng biển được tiêm vắc xin sớm nhất có thể để DN tiếp tục duy trì cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn và đứt gãy.

CMIT, SSIT cùng các DN cảng biển trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đề xuất UBND tỉnh cần có phương án tổ chức xét nghiệm định kỳ cho các nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh cao; bố trí cán bộ chuyên trách để kiểm tra, hướng dẫn cụ thể triển khai phòng chống dịch tại các cảng biển. Các cơ quan chức năng xây dựng kịch bản, phương án cách ly đối với các đối tượng F1 nếu xảy ra tình trạng quá tải tại các khu cách ly tập trung…