Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT.
Dự án do Ban Quản lý dự án Hàng hải làm chủ đầu tư, nhằm đầu tư cải tạo luồng, vũng quay tàu luồng hàng hải Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải) đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của khu vực.
Dự kiến quý IV/2024, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT mới có thể khởi công
Theo đó, quy mô đầu tư dự án gồm tuyến luồng có chiều dài khoảng 7.160 m từ phao số 0 vào đến vũng quay tàu bến số 1; bề rộng luồng 140 m; cao độ đáy luồng – 13m (Hải đồ) cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải); Nâng cấp vũng quay tàu hiện hữu tại vị trí trước bến số 1 thành vũng quay tàu dùng chung đường kính 400 m tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT.
Dự án cũng mở rộng luồng đoạn cong với đường kính 220m – 235m, di chuyển hệ thống phao tiêu báo hiệu phù hợp với tuyến luồng nâng cấp. Cỡ tàu thiết kế cho tàu trọng tải đến 50.000DWT. Khối lượng nạo vét khoảng 4,1 triệu m3.
Tổng mức đầu tư của dự án gần 700 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 3 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng hơn 527 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án hơn 6,4 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 32,1 tỷ đồng…
Ban Quản lý dự án Hàng hải chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung tại Báo cáo thẩm định của Cục Quản lý xây dựng và triển khai các bước tiếp theo tuân thủ quy định hiện hành; Tổ chức khảo sát, thiết kế, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo quy định; Lập kế hoạch, tiến độ tổng thể, chi tiết để triển khai dự án, tuân thủ quy định, phù hợp với kế hoạch vốn được cấp được cấp có thẩm quyền giao.
Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Quy Nhơn, trong bối cảnh ngành hàng hải phát triển mạnh các tàu có trọng tải lớn để tối ưu hoá hiệu quả khai thác, giảm chi phí logistics, thời gian qua, nhiều hãng tàu đều ngỏ ý muốn đưa các tàu trọng tải lớn vào Cảng Quy Nhơn.
Tiêu biểu, dòng tàu chở viên gỗ nén trước đây chủ yếu khoảng 15.000 DWT, nhưng hiện đa số là dòng tàu có trọng tải trên 30.000 DWT nhằm tăng khối lượng vận chuyển. Trong khi đó, với các tàu container chạy tuyến quốc tế cũng đều có trọng tải trung bình hơn 40.000 DWT.
“Tại Cảng Quy Nhơn, dòng tàu chủ yếu hiện ra vào cảng có trọng tải trung bình khoảng 30.000 – 40.000 DWT, chiều dài gần 200m. Việc độ sâu của luồng hàng hải hạn chế ở mức -9.1m gây nhiều khó khăn, bất tiện cho doanh nghiệp trong việc tổ chức đón, khai thác các tàu có trọng tải lớn vào làm hàng”, vị lãnh đạo này nói và cho biết thêm, việc luồng hàng hải hạn chế độ sâu cũng khiến nhiều tàu vào cảng phải giảm tải, gây thiệt hại cho cả chủ tàu và các khách hàng xuất nhập khẩu.
Đơn cử với tàu chở dăm gỗ – mặt hàng chủ lực tại Cảng Quy Nhơn, trước đây, các tàu có thể chở được khoảng 37.000 tấn thực, nhưng giờ chỉ chở được 32.000 tấn, giảm mất 5.000 tấn hàng. Điều đó buộc các chủ hàng phải trả cước khống cho tàu.
“Nếu luồng được nâng cấp, các tàu có thể lấy được hàng đầy tải. Khả năng giải phóng tàu của cảng cũng nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí logistics cho khách hàng sẽ giảm được nhiều”, lãnh đạo Cảng Quy Nhơn chia sẻ.
Báo Giao thông