Không chỉ quanh quẩn “ao nhà”, doanh nghiệp logistics cần tiến ra “biển lớn”

19/12/22 10:45 PM

Mặc dù năm 2023 được dự báo với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng hợp sức ngành logistics Việt Nam tự tin sẽ tiếp tục vượt thách thức, gặt thành công, hoàn thành tốt nhiệm vụ là “xương sống” của cả nền kinh tế…

Tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp dịch vụ logistics năm 2022 từ 12% - 15%.

Tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp dịch vụ logistics năm 2022 từ 12% – 15%

Phát biểu tại “Hội nghị thường niên Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) năm 2022” ngày 16/12, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết năm 2022, mặc dù phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành dịch vụ logistics nước ta đã vượt qua một cách mạnh mẽ, tiếp tục giữ đà tăng trưởng và phát triển bền vững, xứng với vai trò là ngành dịch vụ trọng yếu trong nền kinh tế.

CƠ HỘI SONG HÀNH THÁCH THỨC

Nổi bật là việc các hội viên đã vượt qua khó khăn sau đại dịch để đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ với tỷ lệ tăng trưởng bình quân từ 12% – 15%.

Mặt khác, năm qua, VLA cũng đã khẳng định vai trò Hiệp hội đầu tàu trong công tác phản biện chính sách, với kết quả thành công qua việc TP.HCM và TP. Hải Phòng miễn, giảm thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển áp dụng cho hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

Một thành công khác trong quan hệ hợp tác quốc tế đó là Đại hội của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế ở Busan tháng 9/2022 đã nhất trí chọn Việt Nam là nơi đăng cai Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế vào năm 2025, tại thủ đô Hà Nội.

Tới đây, 2023 Hội nghị FIATA RAP kết hợp UNESCAP Meeting và AFFA Meeting giữa kỳ cũng sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Đây là một vinh dự to lớn với ngành dịch vụ logistics Việt Nam….

Khẳng định vai trò quan trọng của ngành dịch vụ logistics, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng thông qua Nghị định số 96/2022/NĐ- CP được ban hành ngày 29/11/2022, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương là “chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Điều phối, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội phát triển dịch vụ logistics, kể từ ngày 01/12/2022.

Như vậy, Bộ Công Thương đã chính thức là cơ quan quản Nhà nước về hoạt động ngành logistics, điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy ngành logistics phát triển.

Song ông Hải cũng thừa nhận, bước vào năm 2023 ngành dịch vụ logistics có nhiều thuận lợi cũng như khó khăn. Đó là sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương về logistics, điển hình lần đầu tiên bổ sung dịch vụ logistics vào ngành công thương.

Cùng với đó, rất nhiều địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành. Gần đây nhất là xây dựng cảng Liên Chiểu, hay trong chuyến thăm chính thức đến Hà Lan Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định Việt Nam mong muốn trở thành trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế.

Thuận lợi nữa đó là xu hướng đầu tư vào ngành dịch vụ logistics đang gia tăng nhanh chóng như đầu tư vào sân bân Long Thành, đầu tư cảng biển, đường cao tốc… không chỉ bằng nguồn vốn nhà nước mà còn từ doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất, thương mại Việt Nam đang trên đà phục hồi và tăng trưởng mạnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên nước ta đạt 700 tỷ USD năm 2022. Đây là thuận lợi lớn cho ngành logistics.

Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch VLA, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) thông tin, thương mại 2 chiều Việt Nam – Ấn Độ năm 2021 đạt trên 7 tỷ USD, nhưng mới chiếm chưa tới 1% trong tổng quy mô xuất khẩu 750 tỷ USD/năm của Ấn Độ. Khi xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh hơn, chỉ cần doanh nghiệp logistics khai thác được một phần lưu chuyển hàng hóa giữa 2 quốc gia, thì đã là rất đáng kể. VIMC đã phát triển đội tàu hàng đi một số bang của Ấn Độ để đón đầu dư địa này.

Thêm nữa, lực lượng doanh nghiệp logistics ngày một lớn mạnh, nhiều doanh nghiệp phát triển tốt, tăng trưởng nhanh đặc biệt với những doanh nghiệp lớn về vận tải, bưu chính, kho bãi…

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, năm 2023 sẽ thực sự khó khăn. Bức tranh kinh tế toàn cầu cho thấy, thế giới đang trong tình trạng suy thoái, lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ trở lại đây do xung đột Nga – Ukraine. Tác động này lan toả khắp thế giới dẫn tới suy thoái nghiêm trọng. Như vậy nhu cầu tiêu dùng trên thế giới sẽ sụt giảm. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, cước vận tải container giảm nhưng những bất ổn trên thị trường thế giới cũng đang bộc lộ rõ như thiên tai, dịch bệnh… đe dọa tính bền vững của chuỗi cung ứng vẫn hiện hữu.

Thách thức nữa là xu hướng xanh hóa hoạt động thương mại là trào lưu tất yếu, sẽ tạo ra tiêu chuẩn cao hơn, đồng nghĩa với việc thêm chi phí nhiều hơn cho hoạt động thương mại và logistics (ví dụ EU đánh thuế carbon).

CẦN NGHĨ ĐẾN M&A ĐỂ LOGISTICS VIỆT NAM LỚN HƠN

Trước bối cảnh khó khăn này, ông Hải lưu ý, Hiệp hội cần có sự phản ứng nhanh nhạy hơn nữa trong các hoạt động liên quan tới ngành logistics. Sự tham gia của hiệp hội cần đa dạng, thường xuyên, nên tiếng nói của VLA cần đủ sức nặng, đúng lúc nhằm tháo gõ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh phản biện, Hiệp hội cần đẩy mạnh chức năng tư vấn chính sách với các cơ quan chính phủ những việc cần làm. Báo cáo với Chính phủ về việc cải tổ Ủy ban 1899 trong tình hình mới, trong đó chính thức kiến nghị đưa VLA thành một thành viên của Ủy ban.

Định hướng cho hội viên những xu hướng mới trong logistics như logistics đô thị, logistics thương mại điện tử, logistics nông sản, logistics xanh… hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi để phù hợp với xu thế tất yếu trong tương lai.

Đối với các doanh nghiệp, ông Hải nhận định, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp logistics trong nước và nước ngoài hiện rất gay gắt. Nếu doanh nghiệp vẫn quanh quẩn trong “ao nhà”, đến một lúc “ao nhà” chật, lại thêm sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài thì càng chật chội.

Chính vì vậy, theo ông Hải, yêu cầu doanh nghiệp logistics tiến ra thị trường nước ngoài là cần thiết. “Doanh nghiệp cần nghĩ đến điều này, nếu quanh quẩn “ao nhà” thì không thể lớn và rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp FDI”, ông Hải e ngại.

Theo đó ông Hải cho rằng xu hướng M&A là công cụ khá sắc bén để giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam phát triển. “Mục tiêu của chúng ta xây dựng các tập đoàn lớn về logistics nhưng không chỉ là tích tụ vốn, mà thông qua M&A để mở rộng quy mô doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần học các doanh nghiệp nước ngoài để chúng ta lớn nhanh hơn, nhưng đây cũng là công cụ khiến các doanh nghiệp nhỏ bị thôn tính, mất quyền kiểm soát, bị thôn tính nếu không nhanh nhạy, không có công cụ phòng vệ thích đáng.

Đại diện Bộ Công Thương cũng đề nghị VLA quan tâm, mở rộng tầm phủ sóng của Hiệp hội, đặc biệt đối với các địa phương miền Bắc, miền Trung, vì chủ yếu hiện nay 70% hội viên là miền Nam.

VLA cũng cần tư có một kế hoạch hoạt động dài hơi, với thời hạn 5 năm hoặc 10 năm (không phụ thuộc vào nhiệm kỳ Đại hội của Hiệp hội). Đặc biệt, cần có một chiến lược về việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp dịch vụ logistics…

Vneconomy