Logistics 4.0: Quá trình tiến hóa, thách thức và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam

15/03/21 10:19 AM

Khái niệm Logistics 4.0 ra đời như hệ quả của cách mạng công nghiệp 4.0 (CN 4.0) với sự xuất hiện của các giải pháp công nghệ tiến bộ, triết lý quản lý sáng tạo trong kỷ nguyên số và việc ứng dụng Internet trong toàn bộ hoạt động kinh doanh. Mục tiêu của bài báo này là trình bày khái lược về lịch sử Logistics hiện đại và các vấn đề của doanh nghiệp (DN) bắt đầu tìm hiểu để áp dụng Logistics 4.0. Các thành phần cơ bản của Logistics 4.0 đó là: nhận dạng tự động (Automatic Identification), định vị trong thời gian thực (Real-time locating), kết nối vạn vật (Internet of Things/Services, IoT/S), xử lý dữ liệu lớn (Big data) trong hệ thống mạng thực – ảo (Cyber physical systems, CPS), và Internet kinh doanh (Internet for Business, IoB). Bài báo khuyến nghị về sự thay đổi công nghệ, quy trình quản lý và quan trọng nhất là nhận thức về Logistics 4.0, đồng thời để các công ty từng bước định vị, nâng cao hiệu quả và kết nối với thị trường Logisticsc toàn cầu.

1. Giới thiệu

Logistics và Chuỗi cung ứng (LSC) là một trong những ngành quan trọng nhất trong nền kinh tế. Đối với Việt Nam, Logistics đã trở thành một ngành quan trọng và có nhiều tiến bộ, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) ở mức khá (39/160) các quốc gia và 3/11 khối ASEAN (VLR 2020). Tỷ trọng ngành đạt 4-5% GDP và doanh thu trên 20 tỷ đô la[1]. Hiện tại, hình thái Logistics thông minh gắn với CN 4.0 thường được gọi là Logistics 4.0 (Strandhagen et al., 2017). Bài báo này thảo luận về lịch sử, các thành phần và phân tích cơ hội của DN Việt Nam với Logistics 4.0. Bài báo được sắp xếp như sau: Phần tiếp theo trình bày lịch sử về LSC, Chương kết làm rõ các công nghệ và ứng dụng của Logistics 4.0 trong bối cảnh hiện nay. Thách thức và cơ hội cho Logistics 4.0 Việt Nam sẽ được đề xuất, trước khi kết luận.

2. Lược sử phát triển LSC

Barreto và cộng sự (2017) khái lược lịch sử quá trình phát triển Logistics như sau:

2.1. Logistics 1.0

Công nghiệp 1.0 (CN 1.0) là cách mạng đầu tiên của lịch sử sản xuất hiện đại, sản xuất công nghiệp chuyển từ thủ công sang dùng động cơ hơi nước. Từ Logistics có nguồn gốc tiếng Pháp “Logis” là chỗ ở của quân đội và Hy Lạp “Rhocrearies” là dòng nguyên liệu, lập kế hoạch và vận chuyển quân sự (Ballou 2007; Bartodziej 2017).

Từ năm 1964, Logistics trở thành kinh doanh “hậu cần”- phân phối hàng hóa dân dụng, tập trung vào việc tối ưu hóa 3P: Địa điểm (Place). Thời khoản và Tốc độ (Period and Pace). Hình thức đặt hàng (Pattern).

2.2. Logistics 2.0

Cuối thập niên 70x, CN 2.0 với nền sản xuất tập trung (mass production) và việc tự động hóa xếp dỡ hàng hóa ra đời. Các tác nhân này được châm ngòi cho cách mạng Logistics 2.0 (Ballou 2007). Sau đó, nhu cầu thị trường buộc các công ty vươn ra, phối hợp với các đối tác để cùng điều phối dòng chảy vật chất (nguyên liệu, hàng hóa…), thuật ngữ “quản lý chuỗi cung ứng” (SCM) xuất hiện. Hiệp hội chuyên gia về quản trị chuỗi cung ứng CSCMP (www. cscmp.org/CSCMP) định nghĩa quản lý SCM như sau: “Bao gồm việc lên kế hoạch, thực thi kế hoạch, và quản lý năng suất, hiệu quả đạt được của hoạt động lưu kho, dòng luân chuyển (hai chiều) của hàng hóa, dịch vụ và các thông tin liên quan (đến hàng hóa và dịch vụ đó) giữa điểm bắt đầu và điểm kết thúc của SCM, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Sheffi và Klaus (1997) định nghĩa quản lý SCM là Logistics và “Quá trình”. Quá trình (process) bao gồm điều phối, quản lý quy trình và quan hệ đối tác, như quá trình mua sắm, sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng. Logistics 2.0 quản lý tập trung quá trình phối hợp giữa các bên trong chuỗi và tối ưu quá trình phối hợp này.

2.3. Logistics 3.0

CN 3.0 bắt đầu vào năm 1968 khi robot và điều khiển bằng các hệ thống số (numerical control) công nghiệp ra đời. Trên nền tảng CN 3.0, đến năm 1980, Logistics 3.0 hay Hệ thống quản lý hậu cần” ra đời (Domingo, 2016). Logistics 3.0 mở rộng Logistics 2.0 và tính “Linh hoạt” (Pliancy/Agility), xử lý các vấn đề của SCM như pháp lý, tài chính, nhân lực… Logistics 3.0 quản lý toàn bộ SCM để tập trung tăng giá trị cho khách hàng. (Bảng 1)

Bảng 1. Đặc tính phát triển ngành Logistics theo thời gian

2.4. Logistics 4.0

CN 4.0 là viết tắt của cụm từ “số hóa ngành công nghiệp”, được Chính phủ Đức dùng năm 2011 và Diễn đàn kinh tế thế giới dùng năm 2015 (Klaus, 2016). Tác động ​​của CN 4.0 đến LSC có thể làm giảm đến 34% chi phí và tăng thêm 1/3 tổng lợi nhuận. LSC trong CN 4.0 có thể được mô tả như các hệ thống mạng hợp tác thực – ảo (cyber physical systems, CPS). Hệ thống CPS được Bartodziej (2017) định nghĩa như sau: “Hệ thống trực tiếp liên kết các đối tượng và quy trình thực (vật lý) với thông tin xử lý các đối tượng và quy trình (ảo) thông qua mở, một phần mạng thông tin toàn cầu và luôn kết nối với nhau.

CPS giám sát các quy trình trong sản xuất thực và sao chép chúng vào thế giới ảo hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách phân quyền. CPS sử dụng các cảm biến (sensor) trong hệ thống IoT/S để giao tiếp và tương tác với “Vạn vật” và con người theo thời gian thực (Domingo 2016). Hệ thống CPS bao gồm các phần cứng (cảm biến, robot, xe tải,…) và việc kết nối với đám mây kho lưu trữ dữ liệu tập trung. Sự tích hợp này chuyển đổi toàn bộ quá trình sản xuất – phân phối, kể cả sản phẩm, dịch vụ và logistics thành những sản phẩm thông minh.

2.5. Nền tảng công nghệ của Logistics 4.0

Công nghệ tiên tiến trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) như hệ CPS, IoT/S, điện toán đám mây (Cloud computing), blockchain, 5G tạo điều kiện để dịch vụ logitics trở thành “logistics thông minh” (smart logistics). Theo đó, Logitisc 4.0 chính là việc ứng dụng của các công nghệ thông minh để cải thiện triết lý quản lý và hiệu quả của các quy trình: vận chuyển, kho bãi và lưu trữ, phân phối và cả logistics ngược (reverse logistics), tác động đến toàn bộ SCM (Pfohl et al., 2015). Như vậy, Logistics 4.0 giải quyết vấn đề Quản lý chuỗi giá trị (VCM) bằng cách tạo ra giá trị bắt đầu khâu cung cấp và kết thúc ở người dùng cuối để tối đa hóa giá trị của sản phẩm dịch vụ được phân phối. Tập trung cho chuỗi giá trị (VCM) thay vì chuỗi cung ứng (SCM) là mục tiêu của Logistics 4.0 (Tjahjono và cộng sự, 2017).

3. Ứng dụng Logistics 4.0

3.1. Chuyển đổi công nghệ Logistics 4.0

Qua các phân tích trên, Logistics 4.0 đề cập đến công nghệ, quản lý và các khái niệm về chuỗi giá trị. Trong lĩnh vực logistics, CPS giám sát các quá trình vật chất (hàng hóa và dịch vụ), tạo một bản sao ảo của thế giới vật chất và đưa ra các quyết định phân tán. Qua IoT, CPS giao tiếp và hợp tác với nhau và với con người trong thời gian thực. Thông qua IoS, cả dịch vụ nội bộ và dịch vụ đa tổ chức đều được cung cấp và sử dụng bởi những người tham gia vào chuỗi giá trị (Wang, 2016).

Logistics 4.0 được triển khai trên nền tảng công nghệ thông tin. Cụ thể đó là áp dụng công nghệ mã vạch (bar code), nhận dạng vô tuyến tích hợp (Integrated RFID), cảm biến (sensor), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và các công nghệ mạng viễn thông tiên tiến khác. Những công nghệ này được sử dụng rộng rãi trong vận chuyển, kho bãi, phân phối, đóng gói, xử lý và các khía cạnh khác của các hoạt động logistics.

3.2 Thách thức chuyển đổi Logistics 4.0

Trước hết, Logistics 4.0 là một hệ thống quản lý phức hợp áp dụng công nghệ tiên tiến. DN cần nhìn nhận Logistics 4.0 không chỉ là công nghệ, mà là một sự chuyển đổi quản lý mới giúp giải quyết linh hoạt các vấn đề trong chuỗi SCM.

Tiếp theo, Logistics 4.0 là quản trị dựa trên tri thức và sự sáng tạo. DN cần thiết xây dựng các mô hình/công nghệ quản lý thu thập thông tin và phân tích dữ liệu phù hợp để áp dụng vào quản lý chuỗi SCM. Sau cùng, Logistics 4.0 phải cụ thể và có kế hoạch, mô hình kinh doanh phải được xây dựng và triển khai từng bước cụ thể theo trình độ công nghệ, quản lý,… của DN.

4. Thời cơ hội nhập cho DN Việt Nam với Logistics 4.0

Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới. Thị trường logistics và thương mại điện tử trong khu vực đạt quy mô và tốc độ rất lớn, hứa hẹn nhiều lợi ích, cơ hội to lớn. Cuộc cách mạng chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội mà cụ thể là các ngành công nghiệp và dịch vụ. Logistics 4.0 góp phần làm giảm thời gian giao nhận, chi phí vận chuyển, chi phí liên lạc thông tin, từ đó sẽ tối ưu được chi phí kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng khác biệt của khách hàng. Chuyển đổi số giúp cho hệ thống LSC của các công ty, DN nước ta từng bước hội nhập, nâng trình độ quản trị, minh bạch và cạnh tranh hơn.

Ngành Logistics Việt Nam có những cơ hội rất lớn trong xu hướng CN 4.0. Báo cáo Logistics 2020 nhận định “việc áp dụng CNTT trong lĩnh vực logistics đối với DN không còn xa lạ, đây là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của DN. Khái niệm logistics trong cuộc công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là “Logistics 4.0” đã dần được định hình rõ ràng hơn đối với ngành Logistics” (VLR, 2020). Một số gợi ý như sau: (1) DN Logistics nội địa cần đầu tư mạnh vào CNTT. Trình độ ứng dụng CNTT trong quản lý cần được nâng lên một mức mới; (2) Tuy chi phí đầu tư cao nhưng với các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, DN cần cải tiến đồng bộ và từng bước tự động hóa các hệ thống quản lý tài nguyên (ERP), kho hàng (WMS), vận tải (TMS) và các hệ thống khác; (3) Chủ động phát triển các hệ thống CNTT trong Logitics để dần thay thế các nền tảng và ứng dụng Logistics do các công ty nước ngoài đang khai thác (4) Chủ động vượt qua thách thức về nguồn nhân lực thông qua phối hợp để đào tạo. Đa số trình độ nhân lực Logistics còn yếu, công việc chủ yếu lao động đơn giản. Cấp quản lý thường phải tự học nâng cao trình độ trong quá trình làm việc, đặc biệt là kỹ năng công nghệ mới để đảm đương nhiệm vụ. Theo tính toán, trong 3 năm tới, ngành Logistics cần thêm khoảng 18.000 lao động, các DN sản xuất, dịch vụ cần trên một triệu nhân sự lành nghề về logistics (Chuẩn, Vũ Đình 2019).

5. Kết luận

Bài viết khái luận về lịch sử của Logistics 4.0. Để chuyển đổi sang Logistics 4.0 đòi hỏi sự nhất quán và sự phù hợp của chiến lược kinh doanh, mô hình quản lý cùng với chiến lược công nghệ. Logistics 4.0 là về sự kết nối quản lý và công nghệ với thành viên trong chuỗi giá trị tạo lợi ích tối đa xã hội. Hội nhập trong CN 4.0 chính là chuyển đổi Logistics 4.0. Ngoài việc hình thành chuỗi giá trị mới, sự hội nhập này là một quá trình, cho phép DN Việt Nam từng bước định vị, nâng cao hiệu quả hoạt động và kết nối với thị trường Logistics toàn cầu.

Báo Công thương