Người ‘giải phóng’ con tàu

24/12/20 6:20 AM

“Tôi không quan niệm cái gì là khó khăn. Tôi coi khó khăn chỉ là những áp lực tạm thời và tôi sẽ khắc chế được nó”


Tâm thế sẵn sàng đối diện, vượt qua mọi khó khăn ấy đã đưa anh Nguyễn Xuân Khang trở thành công nhân cảng biển xuất sắc có nhiều sáng kiến, một gương mặt thi đua yêu nước tiêu biểu.

Sáng kiến nhiều đến không thể nhớ

Tạm gác những công việc thân quen hằng ngày tại Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng), anh Nguyễn Xuân Khang về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Là một tấm gương điển hình trong Đại hội lần này, anh khiến tôi vị nể với thành tích trên 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong 30 năm làm việc trong ngành công cụ cảng biển.

Ông Trần Lưu Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu cho hay, các sáng kiến của anh Khang, dù là sáng kiến có hàm lượng chất xám rất cao, giá trị làm lợi cho công ty từ một vài chục triệu lên đến hàng trăm triệu đồng, hay một cải tiến kỹ thuật nhỏ, một giải pháp tình thế nhưng đều tạo ra sự thay đổi tích cực, từng bước cải thiện sản xuất kinh doanh cho hoạt động kho vận cảng biển của Công ty: Tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động cho công nhân, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là tăng sự an toàn cho con người và hàng hóa. Điều này không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp cảng mà còn cho cả chủ hàng, chủ tàu bởi tăng năng suất xếp dỡ thì sẽ rút ngắn thời gian cho khách làm hàng tại cảng, kéo theo các chi phí như cầu bến, tiện ích và các chi phí nằm tại cảng cũng giảm, và tần suất quay vòng của tàu tăng lên.

“Về phía cảng, khi giải phóng tàu nhanh, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để đón tiếp những con tàu khác. Hiện nay, dọc theo bờ sông Cấm ở Hải Phòng có tới 23 cảng nên sự cạnh tranh thị phần hàng hóa rất khốc liệt. Ngoài cạnh tranh trong nước còn cạnh tranh với các cảng trong khu vực. Vì thế, sáng kiến này càng có ý nghĩa lớn. Hoạt động của cảng biển là một mắt xích trong dây chuyền logistic. Vì thế, các sáng kiến làm tăng năng suất xếp dỡ cũng chính là một lợi thế để tăng tính cạnh tranh, sự phát triển và hiệu quả của chuỗi logistic Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Trần Lưu Phương nhấn mạnh.

Sáng kiến thiết kế chế tạo khung cẩu đa tính năng phục vụ các phương án xếp dỡ hàng ngoài container

Gương mặt đôn hậu, thông minh, nước da rám nắng với những vết chân chim hằn sâu nơi khóe mắt, giọng nói rắn rỏi, anh Khang cho hay: “Trong số những sáng kiến ấy, tôi tâm đắc nhất là sáng kiến thiết kế và chế tạo đòn gánh cộng đa năng dùng cho nhiều loại hàng và trong mọi phương án xếp dỡ hàng tại cảng. Sáng kiến này mang cả tính kỹ thuật, mỹ thuật, thời gian thực hiện sáng kiến nhanh kỷ lục và khi áp dụng trong thực tế sản xuất đã được công nhận đạt đến mức độ có thể đặt tên thành một thương hiệu”.

Tôi trộm nghĩ, phía sau những thành tích ấy là cả một chặng đường nỗ lực không mệt mỏi với bao khó khăn mà anh Nguyễn Xuân Khang đã phải vượt qua trong suốt 30 năm. Nhưng anh Khang bảo, mỗi khó khăn gặp phải trong công việc chính là động lực thúc đẩy anh cho ra đời sáng kiến. Nếu không có những động lực này thì anh cũng khó có thể là tác giả của nhiều sáng kiến như vậy. Là một công ty con của Công ty CP Cảng Hải Phòng, Cảng Hoàng Diệu chuyên xếp dỡ các mặt hàng ngoài container như: sắt thép, gỗ cây, thiết bị… “Việc xếp dỡ những mặt hàng này rất khó khăn bởi trọng lượng, kích thước lớn. Để xếp dỡ 1 tấn hàng ngoài container, công nhân sẽ phải tiêu hao rất nhiều sức lực khiến năng suất lao động thấp và chi phí sản xuất cũng cao hơn, lại tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, và có thể gây tổn thất hàng hóa. Mặt khác, chủ hàng ngày càng có yêu cầu cao với cảng về năng suất và chất lượng xếp dỡ. Để đáp ứng được yêu cầu của chủ hàng, chúng tôi – những người khai thác cảng bắt buộc phải có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, từ đó củng cố uy tín với chủ hàng, để họ lựa chọn đến với cảng của mình. Hơn nữa, sáng kiến phục vụ ngay cho chính công việc của mình, giúp giảm vất vả và những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cho những công nhân đang hằng ngày trực tiếp xếp dỡ hàng. Chỉ có như thế chúng tôi mới tồn tại và phát triển”, anh Khang chia sẻ.

Sáng kiến khung nâng thép cuộn sử dụng cho xe nâng hàng 10 tấn

Giỏi một nghề nhưng phải biết hai, ba nghề


“Sự chỉ đạo sát sao, luôn đồng hành, khuyến khích người lao động đưa ra những giải pháp trong từng thời điểm để nhanh giải phóng con tàu của Ban lãnh đạo cảng Hải Phòng và Hoàng Diệu là động lực quan trọng khích lệ tôi phát minh sáng kiến. Một nguồn năng lượng nữa đến từ các đồng nghiệp – những người kề vai sát cánh với tôi trong suốt hơn 30 năm qua – đã cùng nhau đưa ra ý tưởng, biến ý tưởng thành hiện thực”.

Anh Nguyễn Xuân Khang


Giờ làm việc tại cảng Hoàng Diệu từ 7h30 – 17h mỗi ngày, thế nhưng những ngày có nhiều tàu cập bến cùng lúc thì giờ làm việc sẽ là 24/7. Chiếc cầu cảng dài 1.500m đã quen thuộc bước chân anh Khang mỗi ngày. Anh Khang cho hay: “Công việc của những công nhân cảng thường xuyên đối diện với khó khăn, áp lực. Tôi làm trong lĩnh vực công cụ xếp dỡ hàng hóa nên ý thức được tầm quan trọng của công cụ đối với người lao động và năng suất lao động. Áp lực lớn nhất là khi tàu đến với cảng không đều, nhiều khi cùng lúc có tới 4 – 5 con tàu cập cảng. Thời gian xếp dỡ hàng hóa cho một con tàu có khi phải 3 – 4 ngày mới xong tùy theo trọng lượng, trọng tải và chủng loại hàng hóa. Trong khi đó, sự đầu tư cho công cụ chỉ có hạn do các doanh nghiệp thời điểm này còn đang nằm trong khó khăn chung, máy móc thiết bị đã được sử dụng nhiều năm rồi nên cũng lạc hậu; công cụ có thể chỉ đủ làm cho 1 – 2 con tàu nhưng hiện nay đang vào 3 – 4 con tàu. Vì thế gây áp lực rất lớn với những người làm công cụ chúng tôi. Nhưng trước những áp lực đó, chúng tôi không đầu hàng mà biến thành động lực để nghĩ cách khắc phục”.

Những sáng kiến của anh Nguyễn Xuân Khang đã đem lại lợi ích cho công ty, cho chủ hàng, và đảm bảo an toàn cho công nhân cảng biển

heo chia sẻ của anh Khang, trình độ, cơ cấu nguồn lực lao động bị lệch, tay nghề không đồng đều, sự sụt giảm về nhân lực khiến các máy móc thiết bị thiếu người vận hành. Áp lực đó khiến những công nhân như anh tự đặt ra yêu cầu cho bản thân là một người phải biết 2 – 3 nghề. Các anh có một câu khẩu hiệu cửa miệng: “Giỏi một nghề thôi nhưng phải biết 2, 3 nghề” để đáp ứng được tất cả nhu cầu thực tế đặt ra.

Trách nhiệm, cái tâm và tình yêu dành cho nghề của anh đã được cấp trên, đồng nghiệp ghi nhận. Anh là công nhân lao động đạt danh hiệu tiêu biểu 5 năm liền, là 3 trong số 35 gương mặt tiêu biểu của hoạt động thi đua yêu nước được các bộ ngành, tập đoàn đề xuất. Còn tôi, người được nghe anh kể về chuyện nghề của những công nhân cầu cảng, đã có thêm động lực để đối diện với thử thách. “Tất cả những gì chúng ta làm đều hướng đến ngày mai. Công việc phụ thuộc vào thực tiễn. Thực tiễn đem đến những thử thách gì, chúng ta cũng đều sẵn sàng đón nhận. Tôi và đồng nghiệp trong Công ty Cảng Hoàng Diệu cũng vậy, tới đây có thể còn rất nhiều áp lực, thử thách nhưng chúng tôi sẽ có câu trả lời với thực tế và sẵn sàng có đáp án cho những đề bài mà cuộc sống đặt ra”, anh Khang khẳng khái nói với tôi như thế trước khi bước vào Đại hội./.


Một số sáng kiến của anh Nguyễn Xuân Khang: Cải tiến bộ càng hình trụ nâng hạ tôn cuộn xe nâng hàng 10 tấn; Chế tạo bộ đồ gá lắp chuyên dùng tháo lắp cân treo điện tử phục vụ sửa chữa; Thiết kế chế tạo hộp giá đỡ cài cân treo điện tử để xếp cân vận chuyển ra khu chuyển tải phục vụ khai thác hàng rời; Giải pháp chế tạo puli chuyển hướng cho ngoạm SOKOL; Nghiên cứu chế tạo khung gá cáp để bện đây nilon tạo thành bộ cáp tổ hợp phục vụ cẩu tôn cuộn chất lượng cao; Thiết kế lắp thêm bánh xe di chuyển cho đòn gánh cẩu hàng thiết bị; Chế tạo bộ giá đỡ con lăn cao su phục vụ sửa chữa piston ngoạm thủy lực; Thiết kế chế tạo khung cẩu đa tính năng phục vụ các phương án xếp dỡ hàng ngoài container.


VOV