Phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới mà phải có quy hoạch tốt

3/01/19 2:44 AM

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới mà phải có quy hoạch tốt để có những trung tâm cảng thực sự chất lượng.

IMG_6321

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức chiều 2/1, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, ngành hàng hải là một trong những ngành đặc biệt quan trọng, thậm chí quan trọng nhất trong 5 lĩnh vực của ngành giao thông bởi Việt Nam là nước có hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao.

Hầu hết hàng hóa đều phải đi qua cảng biển để vào thị trường nội địa. Vì vậy, những kết quả đạt được của ngành hàng hải trong thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, cái được của ngành hàng hải thời gian qua chính là việc đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ nhất của Bộ Giao thông Vận tải, tiệm cận nhanh với cách mạng công nghệ 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, ngành hàng hải vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Đặc biệt sự kết nối với 4 phương thức còn lại như đường sắt, đường thủy nội địa vẫn còn yếu, tình trạng có cảng, kho bãi nhưng không có đường vẫn còn tồn tại.

Trên cơ sở đó, Tư lệnh ngành giao thông vận tải yêu cầu ngành hàng hải phải nghiên cứu, thực hiện tốt ngay từ khâu quy hoạch.

Cụ thể, đối với cảng Lạch Huyện ở khu vực phía Bắc, Cục Hàng hải Việt Nam phải nghiên cứu quy hoạch lại các cảng nhỏ, tập trung lợi thế cho Lạch Huyện phát triển, phải tính phương án khi cảng Lạch Huyện có nhiều hơn 2 bến cảng như hiện tại thì việc kết nối giao thông sẽ ra sao? Có phải xây dựng nhiều hơn một cây cầu Lạch Huyện? Phương án đường thủy sẽ kết nối như nào? Với lợi thế của Hải Phòng, một cảng Lạch Huyện đã đủ đáp ứng hay cần phải xây dựng thêm một cảng khác?

“Tại khu vực phía Nam, ngành hàng hải cũng phải cân nhắc đường bộ vào cảng Cái Mép – Thị Vải có nên mở rộng để giải quyết tình trạng ách tắc như hiện nay? Nếu mở thì mở đường nào? Quy mô ra sao? Có nên hình thành đường sắt, đường thủy nội địa kết nối, gom hàng?”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, ngành hàng hải phải huy động mọi nguồn lực để thuê tư vấn, chuyên gia giỏi làm tốt vấn đề quy hoạch.

IMG_6310

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trao cờ thi đua của Thủ tướng cho các đơn vị xuất sắc ngành hàng hải

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, kể cả cảng Cái Mép – Thị Vải dù đã có Đề án giao thông kết nối song nếu các phương án hoạch định không khả thi, cơ quan chức năng phải thuê tư vấn nước ngoài đánh giá lại. Phát triển cảng biển không cần nhiều quy hoạch mới mà phải có quy hoạch tốt để chúng ta có những trung tâm cảng thực sự chất lượng.

Bộ trưởng cũng cho rằng: “Việc phát triển cảng biển phải đồng đều. Ngành hàng hải phải chú trọng hơn trong nghiên cứu, hình thành cảng biển ở khu vực miền Trung. Đặc biệt, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển hàng hải nhưng cảng Cái Cui hiện không hiệu quả, chúng ta phải nghiên cứu, chọn vị trí làm một cầu cảng mới, một cầu cảng tận dụng nguồn lực và trí lực của các tập đoàn tư nhân, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước”.

Cũng theo Bộ trưởng, để nâng cao chất lượng cảng biển, thu hút hàng hóa và các hãng tàu lớn trên thế giới mở tuyến đến Việt Nam, tất cả các cảng biển Việt Nam, các doanh nghiệp ngành hàng hải phải nhanh chóng hình thành một cơ sở dữ liệu lớn của ngành để quá trình giám sát, thực hiện thủ tục hành chính tại cảng được tự động hóa hoàn toàn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị ngành hàng hải rà soát, sàng lọc lại nguồn nhân lực, cơ quan ngành hàng hải phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt và có phương án cho lực lượng cán bộ nguồn để bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2018, đội tàu biển Việt Nam có 1.593 tàu, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Trong đó, đội tàu container tăng trưởng từ 19 tàu (năm 2013) lên 41 tàu trong (năm 2018), tăng bình quân khoảng 20%/năm.

Năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 144,6 triệu tấn, khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt hơn 153 triệu tấn.km, tăng 10,9% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển.

Về cảng biển, hiện nay, tổng số bến cảng được công bố là 272 bến cảng, tổng công suất trên 550 triệu tấn/năm. Năm 2018, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 524,7 triệu tấn (không bao gồm sản lượng hàng hóa quá cảnh không bốc dỡ), trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển năm 2018 ước đạt 17,8 triệu TEUs, tăng lần lượt 19% và 24% so với năm 2017. Lượng hành khách qua cảng cũng tăng 28,9% so với năm 2017, đạt 5,8 triệu hành khách.

Về dịch vụ hàng hải và logistics, cả nước hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ hàng hải. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được ¼ nhu cầu thị trường và đang dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn ban đầu (đóng gói, cho thuê kho bãi, làm dịch vụ hải quan…) cho chuỗi dịch vụ logistics khép kín.

Tuy vậy, thủ tục hành chính trong dịch vụ logistics và trong thủ tục tại cảng biển thời gian qua đã có tiến bộ đáng kể. Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ thực hiện ký số Giấy phép điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển. Triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 25 Cảng vụ Hàng hải từ tháng 7/2018. Tổng số hồ sơ điện tử được tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/7/2018 đến nay là hơn 28.000 hồ sơ, chiếm 87% tổng số hồ sơ được tiếp nhận.

BNEWS/TTXVN