Tàu biển xin treo cờ Việt Nam sẽ được hưởng một số lợi thế về giá dịch vụ và thị phần vận tải nội địa…
Đăng ký treo cờ Việt Nam sẽ mang lại nhiều nguồn lợi cho chính chủ tàu và phát triển chung của đất nước
Liên quan đến việc hàng loạt doanh nghiệp mua tàu “ngoại” xin treo cờ Việt Nam trong thời gian gần đây, trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, trường hợp được Bộ GTVT cho phép treo cờ Việt Nam, tàu sẽ có cơ hội đảm nhận thị phần trong thị trường vận tải nội địa (do hiện tại, tàu nước ngoài không được cấp phép chạy nội địa).
“Ngoài ra, như thông tin các doanh nghiệp đã đề cập trong văn bản kiến nghị, tàu treo cờ Việt Nam sẽ được hưởng giá dịch vụ tại cảng biển (đại lý, lai dắt,…) thấp hơn khi treo cờ nước ngoài.
Ví dụ, đối với tàu dầu trọng tải hơn 100.000 DWT treo cờ nước ngoài, hiện tại, chi phí đại lý, tàu lai, phí cảng khoảng hơn 130.000 – 140.000 USD thì tổng chi phí này đối với tàu khi treo cờ Việt Nam chỉ 40.000 – 45.000 USD”, đại diện Cục Hàng hải nói.
Trước đó, cuối tháng 1/2021, Công ty TNHH Vận tải Dầu khí Sao Việt và Công ty TNHH Khí đốt Thăng Long đã đồng loạt gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép 4 tàu: Searacer trọng tải hơn 164.000 DWT (đóng năm 2002), tàu Eagle Tampa (đóng năm 2003) tải trọng hơn 107.000 DWT và hai tàu Star Osprey và Star Swift cùng trọng tải gần 115.000 DWT (đóng năm 2003) được treo cờ Việt Nam.
Đề xuất này dựa trên phân tích nhu cầu thị trường vận chuyển dầu thô bằng đường biển tại Việt Nam trong thời gian tới cần từ 10 – 15 tàu trọng tải từ 100.000 – 300.000 DWT. Trong khi ở nước ta mới chỉ có 6 tàu trọng tải từ 105.000 – 115.000 DWT.
Thông tin với PV, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, đề xuất của các doanh nghiệp đã được lấy ý kiến và sẽ được Bộ GTVT xem xét, cấp phép theo quy định tại Nghị định 171/2016 thay thế Nghị định số 161/2013 về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển của Chính phủ.