8 xu hướng đáng chú ý đối với lĩnh vực logistics trong năm 2020 ở châu Á – Thái Bình Dương

13/02/20 6:12 AM

Ngày 11 tháng 2 năm 2020 – Ông Jan Harnisch, Giám đốc phụ trách các hoạt động của Bộ phận Global Products Air & Ocean của Công ty Rhenus Logistics vừa đưa ra nhận định của ông về 8 xu hướng đáng chú ý đối với lĩnh vực logistics trong năm 2020, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tám xu hướng là:

1. Xu hướng mua bán và sáp nhập (M & A) doanh nghiệp bùng nổ: Xu hướng M & A tích cực trong lĩnh vực logistics sẽ tiếp tục đà phát triển, đáp ứng các nền kinh tế đang phát triển ở nhiều quy mô, cải thiện số hóa thông qua việc cải tiến công nghệ và đa dạng hóa theo địa lý và theo chiều dọc. Việc hợp nhất, kiện toàn sẽ được thúc đẩy để có thể cung cấp các giải pháp tích hợp và từ đầu cuối đến đầu cuối (end-to-end). Sự sẵn có của vốn cổ phần tư nhân (private equity – PE) và các quỹ cho phép các doanh nghiệp có thể huy động vốn rẻ hơn cho hoạt động M & A.

2. Sự hợp tác: Trong năm 2020, sẽ có nhiều sự hợp tác hơn giữa các chủ hàng và các công ty logistics của bên thứ ba (3PL). Trọng tâm sẽ là tạo ra các mô hình hợp tác lâu dài, cho phép một tình huống mà các bên đều thắng. đều có lợi (win – win) về chi phí và dịch vụ. Xu hướng người chơi của bên thứ 2 (2PL) và bên thứ ba (3PL) hợp tác với nhau sẽ tạo ra một hệ sinh thái cho các giải pháp hiệu quả cao, với chi phí hợp lý và tiết kiệm chi phí.

3. Thương mại điện tử: Thương mại điện tử sẽ vẫn là một động lực mạnh mẽ trong năm 2020, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Khi những công ty lớn như Amazon, Lazada và Shopee đẩy mạnh việc mở rộng trong khu vực, thì Công ty Rhenus Logistics có thể thấy sự dịch chuyển từ vận tải hàng không sang vận tải đường biển đối với các khoảng cách ngắn về biển. Để có thể thay thế hình thức vận tải hàng không hiện có cho thương mại điện tử, thì việc tập trung mạnh vào thời gian sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Trên hết, các hệ thống mạnh và hoạt động xuất sắc là rất cần thiết để đảm bảo việc xử lý nhanh nhất có thể. Những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn cũng sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các quan hệ hợp tác trực tiếp của hãng hàng không.

4. Cơ sở hạ tầng: Công ty Rhenus Logistics cho rằng, sẽ có các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng của chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là ở Ấn Độ và Indonesia. Điều này sẽ dẫn đến việc dễ dàng trong di chuyển và cải thiện đáng kể chất lượng cơ sở hạ tầng.

5Đổi mới, sáng tạo và Internet vạn vật (IoT): Các giải pháp sáng tạo sẽ được giới thiệu để giảm các quy trình không hiệu quả; trọng tâm lớn là sự bền vững. Việc sử dụng Internet vạn vật trong công nghiệp, chẳng hạn như cảm biến sẽ trở nên phổ biến hơn trong hoạt động logistics, cho phép mức độ minh bạch cao hơn nhiều, từ theo dõi hàng trong kho đến thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (Radio Frequency Identification – RFID) xác định vị trí, đo nhiệt độ hoặc độ ẩm. Khả năng hiển thị được tăng cường này sẽ làm giảm thời gian phản ứng và cải thiện một cách đáng kể việc ra quyết định.

6. Tính bền vững: Năm 2020 sẽ là một năm “xanh” cho lĩnh vực logistics. Khi các ngành công nghiệp khác nhau đi đầu trong việc trở nên bền vững hơn trong những năm gần đây, tính bền vững đã ảnh hưởng trực tiếp đến logistics, vốn phải thích ứng với xu hướng khách hàng của họ. Lĩnh vực này sẽ thấy cần phải có trách nhiệm cao hơn trong tác động và biện pháp bảo vệ môi trường. Ngành vận tải hàng hóa bằng đường biển sẽ đặc biệt cảm nhận được tác động này, vì từ ngày 1/1/2020, khi lượng lưu huỳnh trong dầu nhiên liệu được sử dụng trên tàu biển sẽ phải giảm từ mức 3,5% xuống 0,5%, góp phần giảm xả thải gây ô nhiễm, nhờ đó sẽ giảm mức ô nhiễm chung do lưu huỳnh từ hoạt động vận chuyển tới 80%. Trong lĩnh vực quản lý kho bãi, các công ty sẽ cần xem xét phát triển các giải pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động, quản lý lao động và quản lý chất thải.

7. Chuỗi cung ứng: Chuỗi cung ứng tinh gọn hơn và nhanh nhẹn hơn, với khả năng hiển thị từ đầu đến cuối sẽ được thực hiện thông qua công nghệ mới nhất. Việc vận chuyển hàng hóa dựa theo giá sẽ chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số, trong khi kinh doanh theo hướng dịch vụ hoặc tích hợp dịch vụ sẽ chuyển sang doanh nghiệp chuyên sâu về logistics. Sẽ có sự khác biệt gia tăng giữa các nhà cung cấp dịch vụ lấy giải pháp làm định hướng so với các nhà cung cấp dịch vụ thâm dụng vốn / cơ sở hạ tầng.

8. Hiệu ứng gợn sóng (Ripple effects) của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc: Trong năm 2019, những tác động bất lợi của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ được cảm nhận trong sự tăng trưởng kinh tế của hai cường quốc này, mà còn trên phạm vi toàn cầu. Và hiệu ứng gợn sóng sẽ còn tiếp tục trong năm 2020. Trung Quốc vẫn là khu vực lớn thứ hai trên thế giới xét trên phương diện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, như chất bán dẫn, dược phẩm. Ngay cả khi Trung Quốc rời xa hình ảnh là “nhà sản xuất thế giới”, thì các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất vẫn có thể cạnh tranh với nhiều sản phẩm tốt nhất trên thị trường toàn cầu. Với gần 70% doanh nghiệp nhập khẩu của toàn Trung Quốc, Thượng Hải sẽ tiếp tục là một địa chỉ đầu tư đầy hấp dẫn. Hồng Kông, nơi tiếp tục giữ tầm quan trọng kinh doanh chiến lược cho các công ty đầu tư vào thị trường Trung Quốc, bất chấp những xáo trộn đang diễn ra. Tương tự như năm 2019, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, với sự đầu tư nhiều hơn từ các công ty đến từ Trung Quốc đại lục trong các ngành công nghiệp đang phát triển, như ô tô, viễn thông và điện toán.

Vietnamplus