Các cảng biển có những hãng tàu ngoại đứng sau đều là những cảng biển có tốc độ phát triển nhanh.
Hãng tàu MSC chọn cảng SSIT là cảng trung lập để làm hàng của hãng tại khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải, liên tục mở nhiều tuyến dịch vụ mới qua cảng
Tốc độ phát triển mạnh mẽ
Đầu tháng 7/2023, MSC – một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới mở tuyến dịch vụ mới Shikra qua Cảng container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT). Tuyến dịch vụ mới kết nối Việt Nam với các cảng lớn Trung Quốc, Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Hiện nay, tại khu bến Cái Mép – Thị Vải, SSIT là cảng biển được hãng tàu container lớn nhất thế giới MSC lựa chọn làm hàng. Thời gian qua, bên cạnh tuyến Shikra, hãng tàu còn mở nhiều tuyến dịch vụ mới qua cảng. Điều này mang tới nhiều cơ hội cho cảng biển khi các tuyến dịch vụ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường châu Á và mang lại sự linh hoạt hơn cho các khách hàng trên toàn thế giới.
Cũng tại Cái Mép – Thị Vải, Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) là sự bắt tay của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC), Cảng Sài Gòn và APM Terminal. APM Terminals là một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất thế giới, thuộc Tập đoàn AP Moller-Maersk.
Có hãng tàu Maersk “chống lưng”, trong 5 năm qua, cảng có những bước phát triển ấn tượng khi tiếp nhận khoảng 2.000 chuyến tàu mẹ quốc tế cập cảng trên các tuyến dịch vụ đi Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong đó, phần lớn là các tàu trọng tải từ 132.000 DWT trở lên. Sản lượng xếp dỡ riêng cho tàu mẹ đạt gần 5 triệu Teus. Các hãng tàu, liên minh hãng tàu cũng đưa thêm nhiều tuyến dịch vụ tàu mẹ vào khai thác tại cảng.
Mô hình bền vững
Cảng CMIT có hãng tàu Maersk thường xuyên vào làm hàng
Theo các chuyên gia, cảng biển liên doanh với hãng tàu là một trong những phương án phát triển bền vững nhất.
Trên thế giới, cảng Tanjung Pelepas (Malaysia) điển hình cho mô hình này. Cảng biển được xây dựng khi cảng Singapore ở đang là “ngôi sao” của cảng biển khu vực Đông Nam Á.
Từ những năm cuối thế kỷ XX, Tanjung Pelepas đã nhanh chóng vươn lên, trở thành đối thủ nặng ký với cảng Singapore khi có sự tham gia của hãng tàu lớn Maersk Lines.
Phải nói thêm, Tanjung Pelepas là liên doanh giữa tập đoàn MMC của Malaysia và APMT của hãng tàu Maersk. Ngay khi cảng được hình thành, Maersk đã chuyển hoạt động của mình từ cảng Singapore sang Tanjung Pelepas.
Sau đó, hãng tàu Evergreen cũng “nối gót”, chuyển trung tâm trung chuyển về Tanjung Pelepas, đưa cảng này trở thành một trong những cảng trung chuyển lớn nhất thế giới. Theo Seatrade Maritime, mỗi năm, Tanjung Pelepas xử lý khoảng 11 triệu Teus hàng hóa.
Các chuyên gia nhận định hiện nay, liên doanh với các hãng tàu đang là xu hướng chủ đạo của nhiều cảng biển xây mới. Tiêu biểu là Công ty CP Tập đoàn Hateco (chủ đầu tư bến 5,6 khu bến Lạch Huyện) đã “bắt tay” hợp tác với tập đoàn APM Terminals trong dự án phát triển hai bến cảng nước sâu tại khu bến cảng Lạch Huyện.