Gian nan hành trình về với đất mẹ của người thủy thủ xấu số

26/01/21 2:53 PM

Không khó để hình dung một con số vô cùng ấn tượng, trên 90% lượng hàng hóa trên thế giới được luân chuyển đều thông qua ngành công nghiệp đặc biệt – ngành vận tải biển. Đó là một ngành công nghiệp vô hình nhưng cực kỳ quan trọng đối với sự tồn vong của cả loài người. Thuyền viên, những người lao động cần cù trên biển thực sự đang “vận hành” bộ máy khổng lồ của nền kinh tế toàn cầu.

Đời người thuỷ thủ luôn vất vả xa nhà và đối mặt hiểm nguy

Chỉ nhìn qua bộ đồng phục màu trắng, lấp lánh sao mũ trong những ngày tàu cập cảng và các dịp lễ tết, khánh tiết, cùng những chuyến du hành khắp thế giới của sĩ quan thuyền viên, bạn có thể chưa biết được những nỗi niềm sâu xa và cuộc sống khắc nghiệt mà họ đang trải nghiệm và những khó khăn mà họ phải chịu đựng trên biển để đảm bảo cho mỗi con người trên thế giới tiếp tục hưởng thụ cuộc sống vật chất đầy đủ trên đất liền theo đúng nghĩa đen của nó.

Cùng với sự xa cách những người thân yêu để lênh đênh trên biển cả, mọi khó khăn, rắc rối trong mỗi gia đình họ không thể cùng nhau giải quyết, không thể nào chăm sóc lo lắng cho vợ con, cha mẹ, người thân lúc ốm đau bệnh tật, là việc phải vượt qua những con sóng lớn, những cơn bão điên cuồng của đại dương trên suốt hải trình mà năm nào cũng có một vài con tàu bị chìm đắm trong gió bão, mất tích, mắc cạn, đâm va … là đau ốm, bệnh tật, tai nạn nghề nghiệp và nguy cơ cướp biển rình rập. Hãy cùng nhau điểm qua những lý do quan trọng vì sao nghề đi biển cần được ca ngợi và tôn vinh, đặc biệt trong mùa đại dịch Covid19. Câu chuyện về người thủy thủ trưởng Đào Ngọc Sơn của Công ty Vận tải biển VIMC bị ốm và qua đời khi tàu Vinalines Sunrise đang trên hành trình vượt Đại Tây Dương là một ví dụ.

Hiểm nguy rình rập đối với những người đi biển

Công ty Vận tải biển VIMC (VIMC Shipping) nhận được bức điện của tàu Vinalines Sunrise báo cáo về trường hợp sức khỏe của thủy thủ trưởng Đào Ngọc Sơn khi tàu đang trên đường hành trình từ cảng xếp hàng Pecem (Brazil) đến cảng dỡ Gresik, (Indonesia). Người thủy thủ trưởng có hiện tượng ban đầu sốt cao 2 lần/ngày (vào buổi sáng và buổi chiều), kèm theo đó là các dấu hiệu khó thở, không đi lại được.

Ngay sau khi nhận được điện báo khẩn từ tàu Vinalines Sunrise, ngày 14/08/2020, VIMC Shipping đã yêu cầu tàu liên hệ trực tiếp với bác sĩ Viện Y học biển Việt Nam để thông báo tình hình, triệu chứng sức khỏe của thuyền viên Sơn và xin ý kiến tư vấn điều trị của bác sĩ. Đồng thời, VIMC Shipping tiến hành họp khẩn cấp ra quyết định cho tàu quay lại cảng gần nhất là Suape (Brazil) để đưa thuyền viên Sơn lên bờ khám và điều trị. Nhưng quay lại cảng gần nhất cũng phải mất đến 2,5 ngày. Công ty chỉ định ngay Đại lý WILLIAMS (SERVIÇOS MARITIMOS LTDA) thu xếp thủ tục cho tàu vào cảng sớm nhất có thể, liên hệ với bảo hiểm GARD P&I để phối hợp đưa thuyền viên lên bờ tới bệnh viện khám và điều trị. Trong thời gian tàu trên đường quay lại cảng Suape, ngày 15/08/2020, VIMC Shipping đã chỉ đạo tàu liên hệ với MRCC (Maritime Search and Rescue Coordination Center – Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải) tại Brazil để có được hướng dẫn điều trị trên cơ sở các triệu chứng cho thuyền viên Đào Ngọc Sơn thông qua báo cáo của tàu. MRCC đã tích cực hỗ trợ tàu các khuyến nghị điều trị thuyền viên Sơn, đồng thời điều động trực thăng lên tàu đến đón thuyền viên vào bờ. Tuy nhiên, khi trực thăng hạ cánh tại khu vực cách cảng Suape (Brazil) 60 hải lý vào lúc 05h00 ngày 17/08/2020 (giờ địa phương), bác sĩ đi theo trực thăng lên tàu khám cấp cứu thì thuyền viên Sơn đã qua đời trước đó khoảng 02 giờ. Khám nghiệm cho kết quả tử vong là do suy hô hấp cấp tính, nghiêm trọng. Thi thể thuyền viên Sơn được đưa đến Nhà tang lễ tại Recife (Brazil) để bảo quản theo đúng quy trình.

Tàu Vinalines Sunrise

Hành trình gian nan nửa vòng trái đất về với đất mẹ của người thủy thủ xấu số

Việc đưa thi hài người qua đời ở nước ngoài về nước trong điều kiện bình thường đã rất phức tạp không muốn nói là rất khó khăn. Trong hoàn cảnh cả thế giới đang oằn mình chống dịch với các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, kiểm dịch y tế nghiêm ngặt thì càng khó khăn gấp bội. Với các trường hợp khác sẽ là hỏa táng và đưa tro cốt về Việt Nam. Nhưng với quyết tâm cao nhất của VIMC Shipping là đưa thi hài của thuyền viên Đào Ngọc Sơn về với gia đình nhằm an ủi những nỗi đau không thể bù đắp của những người thân thuyền viên xấu số, mọi nguồn lực đã được huy động.

Rất nhiều thủ tục phải thực hiện, rất nhiều khó khăn phải vượt qua. Trước tiên, đó là các vấn đề về kiểm dịch y tế. Theo thông lệ tại Brazil, Nhà tang lễ tại Recife có thể cấp giấy chứng nhận về không lây nhiễm covid19 nhưng đến khi làm thủ tục mới phát sinh việc giấy chứng nhận của nhà tang lễ không có giá trị xuất cảnh, phải là giấy chứng nhận của bệnh viện có đủ điều kiện. VIMC Shipping đã phải nhiều lần thực hiện các thủ tục với Đại sứ quán đến có thể có được sự chấp thuận về việc hồi hương thi hài người thủy thủ.
Với bối cảnh các chuyến bay quốc tế bị cấm, việc thu xếp máy bay về nước lại cực kỳ khó khăn, một số hãng hàng không đã từ chối vận chuyển. Sau nhiều nỗ lực liên hệ, cùng với sự phối hợp của Hội bảo hiểm P&I, VIMC Shipping đã thu xếp được chuyến bay về nước cho người thủy thủ với hành trình phải quá cảnh qua Singapore. Sáng 27/09/2020, thi hài thủy thủ trưởng Đào Ngọc Sơn đã về tới sân bay Nội Bài.

Việt Nam cũng đang chống đại dịch, các biện pháp y tế và thủ tục nhập cảnh được tiến hành nghiêm ngặt. Với rất nhiều khâu thủ tục theo quy định, nhưng VIMC Shipping quyết định sẽ bằng mọi giá, làm nhanh nhất các thủ tục để gia đình được gặp lại người thân xấu số. Thi hài thuyền viên Đào Ngọc Sơn đã về đến Nhà tang lễ nơi quê nhà Hải Phòng ngay trong ngày 27/09/2020. Một chi tiết, đó là, gia đình đã được chuyển quan gỗ cho người thủy thủ xấu số trước khi hỏa táng theo đúng với các nghi lễ tâm linh, cổ truyền của người Việt Nam.

Có thể nói, hành trình về với đất mẹ của người thủy thủ xấu số thật gian nan nhưng cũng ấm tình người, tình anh em, bạn bè, đồng nghiệp. Công ty Vận tải biển VIMC đã lo chu tất toàn bộ mọi thủ tục, chi phí cho đến khi người thủy thủ được về yên nghỉ nơi quê hương đất mẹ. Các đồng chí lãnh đạo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty VIMC Shipping đã có những thăm hỏi, động viên, an ủi đối với gia đình người thủy thủ đồng nghiệp. Công ty cũng đã phối hợp thực hiện và hoàn tất các thủ tục về bảo hiểm, mai táng với số tiền gần 01 tỷ đồng cho gia đình thủy thủ Đào Ngọc Sơn.

Vượt qua dữ dằn của biển cả và khó khăn trong đời sống thường nhật, các thế hệ thủy thủ viễn dương

vẫn vững vàng đưa những chuyến tàu ra khơi an toàn để phát triển kinh tế đất nước

Ngày 25 tháng 6 hàng năm được lấy làm Ngày Thuyền viên (Seafaire Day) nhưng rất ít người biết có một ngày quốc tế giành cho những người đi biển như vậy. Chúng ta hãy thấu cảm cho vất vả của những người đi biển để động viên khích lệ thuyền viên dũng cảm vượt lên ngọn sóng, chinh phục đại dương./.

TGTT