Tính đến nay, cả nước đã hình thành được một hệ thống gồm 45 cảng biển, một số cảng cạn (IDC) và trung tâm logistic lớn. Hàng năm hệ thống cảng biển Việt Nam thông quan đến 90% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
Xu hướng “cảng xanh” toàn cầu
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế cảng biển. Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế từ sự tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng thì các nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động này cũng ngày một tăng. Hàng nguy hiểm đã được Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) xếp vào nhóm cần được kiểm soát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển cũng có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây tại các cảng biển Việt Nam. Việc gia tăng nhóm hàng này làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại các cảng biển Việt Nam. Vấn đề đặt ra cho các cảng biển hiện nay là phải tìm được mô hình phát triển bền vững.
Trên thế giới, mô hình “Cảng sinh thái” (Ecoport) không còn xa lạ. Cảng sinh thái là cảng khai thác tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, đáp ứng được những nhu cầu hiện tại và tương lai. Hiện có nhiều cảng của châu Âu đã gia nhập Hội Cảng sinh thái (Ecoports) và được cấp giấy chứng nhận “Ecoport” hợp lệ. Còn ở Mỹ, Long Beach là một trong các cảng tiên phong trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và bảo vệ môi trường trên thế giới.
Ecoport được xây dựng với mục tiêu: Bảo vệ cộng đồng khỏi các tác động tiêu cực từ môi trường do quá trình khai thác cảng phát sinh; Quy định rõ vai trò của cảng trong lĩnh vực môi trường; Đẩy mạnh tính bền vững; Sử dụng công nghệ tiên tiến để chống lại hoặc làm giảm các tác động tiêu cực tới môi trường…
Tiêu chí Ecoport Việt Nam
Hiện Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) đang được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng xúc tiến xây dựng theo tiêu chí xanh. Với mục tiêu “Hướng tới xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại”, Hải Phòng hướng tới xây dựng các KCN sinh thái: KCN Ngũ Phúc – Kiến Thụy (Deep C4) hoặc chuyển đổi các KCN như: Đình Vũ, Nam Đình Vũ, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng… thành KCN sinh thái.
Riêng đối với Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng xây dựng một loạt tiêu chí “xanh”: kiểm soát về khói, bụi tại cảng bằng việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế các phương tiện lạc hậu vận chuyển hàng hóa, khuyến khích các tàu áp dụng công nghệ mới đến cảng. Xây dựng kế hoạch quản lý nguồn nước tổng thể tại cảng và sử dụng hệ thống giám sát nguồn nước; kiểm soát nước thải để tránh ô nhiễm môi trường; ứng dụng khoa học kỹ thuật để xác định mẫu nước dằn tàu. Xây dựng các cơ sở tiếp nhận rác thải, tổ chức thu dọn rác thải hàng ngày khi các tàu cập cảng.
Theo Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc xây dựng tiêu chí về cảng sinh thái cho cảng biển Việt Nam chủ yếu tập trung vào các tiêu chí về môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, những yêu cầu về sử dụng năng lượng sẽ được lồng ghép vào các tiêu chí khác. Các giải pháp này nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện, phụ thuộc vào vấn đề cần được cải thiện, nguồn lực đáp ứng của cảng.
Để thực hiện thành công, các cảng biển cần xây dựng bộ máy quản lý môi trường, năng lượng, chủ yếu sử dụng nhân lực kiêm nhiệm có liên quan, hạn chế sử dụng cán bộ chuyên trách. Đồng thời hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về quản lý môi trường và năng lượng theo quy định hiện hành của pháp luật, quy định của địa phương, ngành.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp