Hội thảo xây dựng mô hình hoạt động tối ưu cho hệ thống cảng biển của Vinalines

31/10/18 2:59 AM

Sáng 31/10/2018, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã tổ chức Hội thảo mô hình hoạt động tối ưu cho hệ thống cảng biển của Vinalines với sự góp mặt của đại diện 14 đơn vị cảng biển thành viên của Tổng công ty.

Mục đích của Hội thảo là nhằm xây dựng một quy trình điều hành hiệu quả nhất cho doanh nghiệp, nhờ đó phát huy được tối đa các nguồn lực của doanh nghiệp, với mục tiêu cao nhất là tối đa hóa doanh thu và tối thiểu hóa chi phí.

Chủ trì và phát biểu khai mạc cuộc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên  Lê Anh Sơn nhấn mạnh, hệ thống cảng biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trong những năm qua mặc dù đã có những sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa xứng tầm của một doanh nghiệp khai thác cảng hàng đầu của cả nước. Việc nghiên cứu tìm ra mô hình hoạt động tối ưu cho hệ thống cảng biển đang quản lý là cần thiết trong đó đề cao tính kết nối giữa các cảng, giữa cảng với đội tàu biển nhằm tập hợp sức mạnh trong dịch vụ chuỗi mà Vinalines tích cực triển khai.

Hiện nay, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đang có vốn góp tại 14 công ty khai thác cảng biển trải dài trên khắp cả nước với 72 cầu cảng tổng chiều dài gần 12.600m chiếm 27% tổng số cầu cảng và 20% tổng chiều dài cầu cảng cả nước. Sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống năm 2017 khoảng 88,4 triệu tấn chiếm 16,5% sản lượng của cả nước (trong đó hàng container là 3,9 triệu teus chiếm 26,6% cả nước).

Với mục tiêu đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước và duy trì giữ vai trò là các cảng nòng cốt tại các khu vực Bắc, Trung, Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, ngoài việc tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng đối với các cảng hiện có, đầu tư xây dựng mới, cơ cấu lại các cảng nước sâu thì việc đổi mới công nghệ bốc xếp, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác đồng thời xây dựng một quy trình điều hành hiệu quả là hết sức cần thiết và có tính sống còn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt.