Kịch bản u ám của ngành vận tải container đường biển

24/03/20 6:00 AM

Sản xuất đình trệ tại Trung Quốc trong tháng 2-2020, cộng với tình trạng suy giảm sức tiêu thụ trên toàn thế giới do dịch Covid-19, đã dẫn đến thương mại toàn cầu suy giảm nhanh chóng. Hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa, doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc trong hai tháng đầu năm giảm đến 20,5% so với cùng kỳ.

Vận tải container đường biển, ngành quan trọng vận chuyển các mặt hàng thiết yếu với đời sống con người và các nguyên phụ liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, cũng đã chứng kiến những cột mốc tiêu cực trong ngành.

Theo SeaNews Turkey, do thiếu hàng vận chuyển, nên đến giữa tháng 2-2020 tổng sức chở của lượng tàu nằm không trên toàn thị trường lên đến trên 2 triệu TEU, con số kỷ lục trong lịch sử, vượt xa cột mốc được thiết lập ở giai đoạn hãng tàu Hanjin sụp đổ vào năm 2016 là 1,59 triệu TEU. Trước đó, vào năm 2009 là giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế, số liệu tương tự được ghi nhận ở mức 1,52 triệu TEU.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức nghiên cứu và các chuyên gia trong ngành cũng đã đưa ra những cảnh báo về suy thoái nghiêm trọng trong ngành. Hãng tư vấn Drewry (Anh) đưa ra ba kịch bản cho ngành vận tải container trong năm 2020.

Theo đó, Drewry tin rằng với kịch bản dễ xảy ra nhất là dịch bệnh sẽ được kiểm soát tại Trung Quốc trong quí 2 năm nay nhưng vẫn bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thì các hãng tàu vẫn phải bỏ nhiều chuyến dịch vụ và chịu lỗ trong năm 2020. Trong kịch bản này, các chủ hàng sẽ phải chấp nhận rằng chất lượng dịch vụ vận chuyển sẽ giảm xuống, do các hãng tàu ưu tiên lấp đầy tàu hơn là vận chuyển đúng lịch trình cam kết, và chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng.

Ở kịch bản tệ nhất, Drewry tin rằng nhu cầu vận chuyển sẽ giảm nghiêm trọng, cộng với mức cước vận chuyển rất thấp, thì có khả năng sẽ có hãng tàu phải phá sản.

Kịch bản lạc quan nhất mà Drewry đưa ra là đến giữa tháng 3, dịch bệnh sẽ được kiểm soát tại Trung Quốc và số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới không diễn biến phức tạp. Như chúng ta đã theo dõi tiến trình lây lan của dịch Covid-19, kịch bản này không thể xảy ra được nữa.

Hãng tư vấn Alphaliner (Pháp) cũng không mấy lạc quan khi ghi nhận rằng mặc dù mức độ sản xuất tại Trung Quốc đang dần phục hồi, và số ca nhiễm Covid-19 cũng giảm liên tục trong những ngày giữa tháng 3, tuy nhiên mức độ lây lan bên ngoài Trung Quốc lại đang diễn biến rất tiêu cực, Alphaliner cho rằng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn thế giới sẽ suy giảm, và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng vận chuyển của các hãng tàu.

Đưa ra một con số cụ thể hơn, chuyên gia hàng đầu về vận tải container đường biển Lars Jensen cho rằng, có thể so sánh ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên sản lượng vận chuyển với ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế năm 2008.

Vào năm diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế gần nhất, thì sản lượng vận chuyển container đường biển giảm 10%. Với tổng sản lượng vận chuyển năm 2019 đạt mức 170 triệu TEU, Lars Jensen cho rằng mức sụt giảm sản lượng toàn ngành có thể đạt mức 17 triệu TEU. Còn với sản lượng thông qua cảng container, mức sụt giảm sẽ là 80 triệu TEU, do container được xếp dỡ ít nhất 2 lần tại hai đầu xếp dỡ và còn có thể được xếp dỡ thêm tại các cảng trung chuyển.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm sau khi Trung Quốc dần kiểm soát được dịch bệnh, và sản xuất từng bước được phục hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà lượng cung vận tải không chắc chắn trong thời gian tới, thì tùy từng mặt hàng cụ thể, các nhà sản xuất cần lựa chọn các hãng vận tải uy tín để đảm bảo giảm thiểu rủi ro, đồng thời linh hoạt điều chỉnh sản lượng để đối phó với tình trạng nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu có thể sẽ giảm nghiêm trọng.

Cước vận tải có thể sẽ giảm, nhưng với tình trạng giảm cung thị trường, thì việc đặt booking sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, nếu không có thị trường tiêu thụ sản phẩm thì cước vận tải tăng hay giảm cũng không thực sự có ý nghĩa.

Thời báo kinh tế Sài Gòn