Máy trưởng, thuyền trưởng với trải nghiệm khó quên trên những chuyến hải hành

14/02/22 9:08 AM

Do đặc thù công việc, thuyền trưởng và máy trưởng cũng sống và làm việc trên biển trong một thời gian dài như bao thuyền viên khác. Họ phải xa cách gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng họ là những người chịu trách nhiệm lớn trên tàu. Những trải nghiệm khó quên về nghề đi biển của họ khiến nhiều người phải ngạc nhiên, thán phục.

Máy trưởng, thuyền trưởng với trải nghiệm khó quên trên những chuyến hải hành

Những sĩ quan, thuyền viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trong đại dịch Covid-19

Định bỏ nghề từ chuyến đi biển đầu tiên

Nghề đi biển thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Công việc đặc thù, ngoài trời, nặng nhọc, chịu ảnh hưởng của sóng, gió đòi hỏi thuyền viên phải có sức khỏe “đặc biệt” mới chịu được sự khắc nghiệt của biển khơi.

Máy trưởng Phạm Ngọc Thạch – Công ty Vận tải biển VIMC (VIMC Shipping) kể: “Năm 2007, tôi có chuyến đi biển đầu tiên khi làm thực tập thợ máy trên tàu Mê Linh. Suốt một tuần, tôi bị say sóng, không ăn được gì, cảm giác thật hãi hùng. Hôm ấy, khi tàu vừa vào Vịnh Bắc Bộ thì gặp bão to, sóng lớn, máy trên tàu lại gặp sự cố. Sóng gió khiến tàu rung lắc mạnh. Cảm giác khi bị say sóng thật đáng sợ, nhiều lần tôi đã phải đeo túi bóng buộc vào cổ để vừa làm vừa…nôn. Có lúc chới với quá, tôi đã nghĩ đến việc bỏ nghề, bỏ biển khơi. Nhưng nghĩ đến 5 năm đèn sách và giấc mơ người thủy thủ kiên cường, mạnh mẽ lại giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, vất vả… Hình ảnh nồi cháo buộc cố định trên bếp trong ngày giông bão ngoài biển khơi, khi đói anh em chủ động vào múc ăn vẫn thường được chúng tôi ôn lại khi ngồi sum họp hàn huyên. Những ký ức đó đã giúp chúng tôi đối mặt và vượt qua những khó khăn trong 2 năm dịch bệnh vừa qua”.

Máy trưởng, thuyền trưởng và những trải nghiệm khó quên trên biển

Con tàu thuộc đội tàu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam hướng về đất liền

Đối với thuyền viên, say sóng có lẽ chưa phải là trải nghiệm đáng lo ngại nhất. Trong quá trình lênh đênh trên biển cùng con tàu, họ còn đối mặt với vô vàn tình huống khó khăn, thậm chí là nguy hiểm.

Thuyền trưởng Lương Văn Vương kể: “Một lần, chúng tôi có lịch hành trình từ cảng Houston (Mỹ) đến cảng Amsterdam (Hà Lan). Thời gian dự kiến khoảng 17 ngày. Tàu đã dự trữ đủ lương thực thực phẩm cho 22 người trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, chủ hàng yêu cầu, tàu phải đổi tuyến đi Tây Phi nhận hàng rồi mới về cảng Amsterdam.

Do thời gian làm hàng tại Tây Phi kéo dài, cùng với quãng hành trình trở lại Amsterdam tăng lên, lượng thực phẩm cùng với lượng nhiên liệu dự trữ trên tàu không đủ. Do điều kiện thời tiết xấu nên kế hoạch cho tàu ghé cảng Gibraltar để cấp nhiên liệu cùng nhu yếu phẩm dự trữ cho tàu đã bị chậm lại. Tàu đã hết thực phẩm như rau, thịt cá chỉ còn lại gạo và ít trứng… Trong vòng 5 ngày anh em thuyền viên trên tàu chỉ ăn cơm với một món trứng không có bất cứ loại rau hay củ nào… Khó khăn, thiếu thốn từ những bữa ăn hằng ngày nhưng anh em động viên nhau vượt qua”.

Máy trưởng, thuyền trưởng và những trải nghiệm khó quên trên biển

Thuyền viên trong cảnh biển êm ả

Còn đối với thuyền trưởng Nguyễn Văn Quang, khi một con tàu nhỏ bé vươn mình ra mênh mông biển cả, nghĩa là những yếu tố nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào.

“Gần đây nhất, tàu chúng tôi hoạt động bên châu Phi, chạy qua khu vực có cướp biển. Cho dù tàu đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và được huấn luyện phòng chống cướp lên tàu nhưng tâm lý một số thuyền viên cũng không tránh khỏi lo lắng. Khi tiếng chuông báo động phát ra từ buồng lái cho biết thuỷ thủ cảnh giới nghi ngờ có cướp biển lên tàu, ai nấy đều có chút lo âu. Tuy nhiên, với bản lĩnh và sự bình tĩnh của những người thuỷ thủ đã hành động xử lý tình huống theo như các quy trình hướng dẫn. Hôm đó, rất may mắn cho anh em chúng tôi, đó là trường hợp có người trốn theo tàu chứ không phải cướp biển tấn công lên tàu”.

Cũng từng trải qua một phen hú vía khi đối mặt với cướp biển, máy trưởng Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Một lần, tàu chúng tôi chạy ngang qua eo biển Malacca (nối Biển Đông với Ấn Độ Dương). Đây là vùng có nguy cơ cướp biển cao. Chúng tôi nhận được cảnh báo từ trước nên đã chuẩn bị cảnh giới, quấn dây thép gai quanh tàu, đóng chặt các cửa vào cabin, chuẩn bị vòi rồng cứu hỏa sẵn sàng chiến đấu. Lúc đó vào khoảng 4 giờ sáng, chúng tôi phát hiện có một tàu của hải tặc chạy bám đuổi theo sau. Các anh em trên tàu đã dũng cảm dùng vòi rồng cứu hỏa để phòng ngự và chạy tăng tốc hết máy. Sau gần 1 giờ rượt đuổi, tàu hải tặc đã bỏ cuộc, không bám theo nữa, thật may mắn! Tuy nhiên, đây vẫn là trải nghiệm khó quên trong cuộc đời người đi biển”.

Máy trưởng, thuyền trưởng và những trải nghiệm khó quên trên biển

Phút giải trí của thuyền viên sau giờ làm việc căng thẳng

Động viên hậu phương người đi biển

Cùng với công việc chịu áp lực cao, mỗi đợt công tác của các thủy thủ thường kéo dài từ 8 đến 10 tháng, xa nhà, xa gia đình, xa người thân bạn bè. Máy trưởng Phạm Ngọc Thạch xúc động chia sẻ, 15 năm đi biển của tôi với bao cảm xúc xa nhà, nhớ vợ con da diết. Cả hai đứa con khi cất tiếng khóc chào đời, tôi chỉ được ngắm nhìn chúng qua điện thoại. Nhớ vợ thương con nhiều lắm nhưng chẳng thể chạy ngay về bồng bế con trên tay, chẳng thể ôm con vào lòng và hít hà mùi trẻ thơ được. Chúng tôi xa nhà, xa đất liền yêu thương, đều thầm mong những đứa con của mình luôn chăm ngoan, học giỏi, sau này cũng mạnh mẽ, kiên cường như cái nghề đi biển của bố…

“Nghề thủy thủ lắm vất vả nhiều gian truân nhưng cũng có những niềm vui khác. Chúng tôi yêu thương, gắn bó, đoàn kết với nhau như để bù đắp những nhớ mong về đất liền. Một con tàu thường có khoảng hơn 20 thuyền viên, mọi người sống với nhau hòa thuận, vui vẻ như trong một gia đình, có gì khó khăn cũng chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Sau những kỳ công tác kết thúc về đến bờ, mọi người lại vui vẻ liên hoan, ôn lại kỷ niệm chuyến đi biển vất vả…”.

Mặc dù 2 năm qua, đội ngũ sĩ quan, thuyền viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam càng thêm vất vả, đối mặt với nguy hiểm do dịch bệnh Covid-19 nhưng người lao động luôn mạnh mẽ, đoàn kết để vượt qua. Tổng công ty và  Công đoàn Tổng Công ty đã quan tâm, động viên cán bộ, đoàn viên, sĩ quan, thuyền viên trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng, tinh thần đoàn kết, kỷ luật, hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất. Các cấp Công đoàn cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình thuyền viên để người lao động yên tâm làm việc.

Máy trưởng, thuyền trưởng và những trải nghiệm khó quên trên biển

Lãnh đạo Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam thăm, chúc Tết sĩ quan, thuyền viên Xuân Nhâm Dần 2022

Ông Lê Phan Linh – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ: “Dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào, chúng tôi luôn nỗ lực và quyết tâm hơn, sâu sát với người lao động để chăm lo ngày càng tốt hơn bằng tất cả tấm lòng. Năm 2022, Công đoàn Tổng Công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương thức hoạt động theo hướng linh hoạt, thích ứng kịp thời với dịch bệnh, hướng về cơ sở và người lao động”.

CSAT