Nâng cao năng lực logistics thúc đẩy chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam – Trung Quốc

8/11/24 4:15 PM

Sáng 8/11, tại thành phố Trùng Khánh, trong chương trình tham dự các hội nghị hợp tác tiểu vùng Mekong và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc. Tọa đàm do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với chính quyền thành phố Trùng Khánh tổ chức. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh và đại diện lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu dự Tọa đàm.

Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Trung Quốc- Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các tập đoàn, doanh nghiệp hai nước đã trình bày nhiều ý kiến đánh giá cao triển vọng hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai nước; đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, hấp dẫn.

Các tập đoàn lớn của Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn được tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư vào Việt Nam; mong Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp này được đầu tư, làm ăn thuận lợi.

Các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn Chính phủ hai nước tạo điều kiện thuận lợi, nhất là cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để kinh doanh thuận lợi.

Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn trình bày tham luận tại Tọa đàm

Tham dự và là một trong 4 đại diện lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC) – Lê Anh Sơn đã trình bày tham luận về hợp tác phát triển chuỗi logistics nông sản kết nối với Trung Quốc.

Theo Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn, trong những năm gần đây, nông sản Việt Nam, gồm các sản phẩm như lúa gạo, trái cây nhiệt đới, cà phê và thủy sản, đã có mặt trên nhiều thị trường quốc tế. Các vùng sản xuất trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, để thực sự phát huy hết tiềm năng và gia tăng giá trị nông sản, cần một chuỗi logistics đồng bộ và hiệu quả hơn.

Hiện tại, chuỗi logistics nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng giao thông tại các vùng nông thôn chưa đủ rộng và tiện lợi để vận chuyển hiệu quả sản phẩm từ nơi sản xuất đến trung tâm xử lý và tiêu thụ, dẫn đến tổn thất lên tới 30-35% trong quá trình vận chuyển do hệ thống bảo quản và vận chuyển chưa tối ưu. Đồng thời, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như chiếu xạ và sơ chế sản phẩm vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Chi phí logistics cho nông sản tại Việt Nam đang chiếm từ 20-25% giá trị hàng hóa – mức rất cao so với khu vực. Điều này phần lớn là do vận tải vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ, trong khi vận tải đa phương thức chưa phát triển.

Trước thách thức trên, Việt Nam cũng đang có cơ hội khai thác hiệu quả từ thị trường Trung Quốc. Với nhu cầu trái cây nhiệt đới 15 tỷ USD mỗi năm, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại ASEAN tại Quảng Tây và cảng Khâm Châu, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận nhanh chóng, phân phối rộng rãi trên thị trường nội địa Trung Quốc, mở ra tiềm năng gia tăng giá trị xuất khẩu.

Để giảm thiểu chi phí logistics và tối ưu hóa thời gian vận chuyển nông sản giữa hai quốc gia, Chủ tịch Lê Anh Sơn đề xuất việc mở rộng thêm các cửa khẩu nhập nông sản qua đường biển từ Việt Nam vào Trung Quốc. Việc mở thêm các cửa khẩu đường biển sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các tuyến đường bộ vốn đang gặp nhiều khó khăn về chi phí và thời gian vận chuyển. Đồng thời, đường biển mang lại lợi thế về quy mô vận tải và chi phí thấp hơn, giúp các doanh nghiệp nông sản Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT VIMC cũng đề nghị phía Trung Quốc cân nhắc áp dụng các chính sách hỗ trợ rút ngắn thời gian xử lý tại các cửa khẩu, bao gồm việc đơn giản hóa và rút ngắn các thủ tục xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong các quy trình hải quan và kiểm dịch. Việc này sẽ giúp giảm thời gian lưu trữ hàng hóa, giữ được độ tươi của nông sản, đồng thời tạo thuận lợi cho cả hai bên trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Chính sách này, nếu được áp dụng, sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thương mại nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ của thị trường Trung Quốc, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí logistics đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam.

Là doanh nghiệp chủ lực của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải, với năng lực vận tải biển mạnh mẽ, các cảng biển trải rộng, và chuỗi dịch vụ logistics hoàn chỉnh, VIMC sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc kết nối chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam với các thị trường quốc tế. “Chúng tôi đặc biệt mong muốn hợp tác với các đối tác để phát triển chuỗi logistics nông sản kết nối với thị trường Trung Quốc – một thị trường tiềm năng và quan trọng nhất của Việt Nam. VIMC cam kết cung cấp các giải pháp logistics hiện đại, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và thời gian để hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nông sản trong nước. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đồng lòng hợp tác giữa các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ Chính phủ hai nước, chuỗi logistics nông sản của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”, Chủ tịch HĐQT VIMC chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh '3 thông, 4 cùng' tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại toạ đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và đánh giá cao tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và logistics. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ hợp tác lâu dài, đa dạng và phong phú, đặc biệt là trên các lĩnh vực kinh tế – thương mại và đầu tư.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược: đột phá về thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí tuân thủ, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm; đột phá về hạ tầng, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tạo giá trị mới, giảm chi phí vận tải, logistics, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa; đột phá về nguồn nhân lực, nhất là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện “3 thông”: chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; thực hiện “4 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào” trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Về các đề xuất của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện hai nước đang triển khai hải quan thông minh, để đơn giản hóa thủ tục thông quan. Cùng với đó, các cơ quan chức năng hai nước đã và đang triển khai các chính sách liên quan phát triển hạ tầng logistics, hỗ trợ về tài chính, hợp tác kỹ thuật, đặc biệt là tập trung phát triển các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến nghi thức ký điện tử thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước

Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác điện tử trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là thỏa thuận giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty TNHH Sinotrans Container Lines (Sinolines).

Là những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu hoạt động trên lĩnh vực hàng hải, VIMC và Sinolines  có trách nhiệm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vận tải và thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trong những năm qua, VIMC và Sinolines đã duy trì quan hệ đối tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực vận tải biển container, kho bãi và dịch vụ chuỗi cung ứng. Với mục tiêu củng cố và mở rộng hợp tác, hai bên cam kết làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ toàn diện trong vận tải biển container, quản lý kho bãi và logistics, tận dụng tối đa thế mạnh của nhau.

VIMC và Sinolines sẽ cùng nhau khám phá các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới như chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Hai bên sẽ tham gia vào các liên minh chiến lược, liên doanh, phối hợp nguồn lực, cung cấp dịch vụ qua lại, phát triển khách hàng hợp tác và khai thác các thị trường mới nổi. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của hai bên, tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam.