Tổng công ty Hàng hải Việt Nam từng bước vượt sóng, vươn khơi

30/01/19 2:32 AM

Năm 2018, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu quan trọng, sản lượng vận tải biển đạt hơn 26,7 triệu tấn, vượt 24,5% kế hoạch, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 97 triệu tấn, tăng gần 10% so năm 2017; doanh thu gần 14 nghìn tỷ đồng. Đây là những thành quả đạt được sau khi Vinalines thực hiện hàng loạt giải pháp cơ cấu lại tài chính, xử lý tài sản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí,…

Cảng biển tăng trưởng ấn tượng

Theo Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh, năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh khối cảng biển có sự tăng trưởng ấn tượng. Hàng loạt cảng biển từng bước “lột xác” và kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ sau cổ phần hóa. Với nhiều giải pháp cơ cấu lại tài chính, xử lý tài sản, kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí,… khối vận tải biển đã giảm được 80% lỗ (còn 209 tỷ đồng). Kết quả đạt được do sự tăng trưởng tốt của thị trường tàu hàng khô, việc bán tài sản không còn hiệu quả,… đã góp phần giảm lỗ cho doanh nghiệp. Đồng thời, tổng công ty cũng khai thác hiệu quả hình thức thuê tàu ngoài, tổ chức các hoạt động mua chung cho toàn bộ đội tàu nhằm tiết giảm chi phí. Những năm trước đây, khoản nợ, lỗ từ khối vận tải biển lên tới hàng nghìn tỷ đồng, ăn mòn lợi nhuận của cảng biển. Trong giai đoạn hiện tại, ngành vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn, cảng biển và dịch vụ hàng hải sẽ là hai lĩnh vực chính được VIMC (tên viết tắt của Vinalines sau khi chuyển sang công ty cổ phần) chú trọng đầu tư, trong đó, ưu tiên đặc biệt cho các cảng cửa ngõ và cảng nước sâu. Đối với cảng Hải Phòng, VIMC sẽ hoàn thiện thủ tục đầu tư hai bến cảng nước sâu, đủ năng lực tiếp nhận tàu công-ten-nơ trọng tải đến 8.000 TEUs tại khu vực Lạch Huyện. Khu vực này sẽ hình thành một trung tâm logistics lớn, trở thành trạm trung chuyển quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu ở miền bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Tại khu vực phía nam, VIMC sẽ tận dụng lợi thế cảng Sài Gòn – Hiệp Phước để phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu. Khu vực này nằm giữa vùng phía nam TP Hồ Chí Minh và Biển Đông, tập trung hàng hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long và các khu công nghiệp phía nam thành phố. Cảng Sài Gòn sẽ có lợi thế nhờ vị trí trung chuyển hàng hóa thuận lợi. Hiện tại, hai cầu cảng (2 và 3) dài 500 m của cảng này đã đi vào khai thác, cầu cảng số 1 dài 300 m dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngay trong quý II tới,… Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang bị lệ thuộc nhiều vào đường bộ, trong năm 2018, Cảng Cần Thơ (đơn vị thành viên của VIMC) đã chủ động thuê và đưa vào khai thác cảng Sóc Trăng để tận dụng tiềm năng vận tải thủy trong vùng. Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đánh giá, theo quy hoạch, cảng Sóc Trăng sẽ trở thành mắt xích quan trọng của hệ thống vận tải thủy nội địa trong vùng, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư tham gia vào cụm công nghiệp Sóc Trăng. Về lâu dài, cảng có nhiều tiềm năng phát triển, góp phần nâng cao năng lực chung của hệ thống cảng biển thuộc VIMC. Việc đưa vào vận hành cảng Sóc Trăng không chỉ đóng vai trò kết nối hàng hóa các tỉnh trong vùng với các cảng biển của VIMC mà còn tạo điều kiện phát triển, mở rộng các chuỗi dịch vụ vận tải thủy nội địa và logistics trọn gói do VIMC đang cung cấp. Tại khu vực miền trung, cảng Đà Nẵng sau khi cổ phần hóa vào năm 2014 đã có tốc độ tăng trưởng 12%/năm, lợi nhuận tăng gấp năm lần. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương đầu tư hạ tầng công cộng ở Liên Chiểu (Đà Nẵng), xây dựng các bến, cầu cảng mới,… Để chớp cơ hội này, ngoài tiếp tục phát huy thế mạnh khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng, VIMC sẽ đề xuất đầu tư gần 4.000 tỷ đồng xây dựng hai bến cảng (1 và 2) cảng Liên Chiểu với kỳ vọng sẽ “chia lửa” tàu hàng cho cảng Tiên Sa.

Tiếp tục tái cơ cấu

Tuy nhiên, do ngành vận tải biển thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia nhận định, đội tàu của VIMC sẽ gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh khi giá trị đầu tư, chi phí khấu hao và tài chính lớn; tuổi tàu cao, sức cạnh tranh hạn chế, đội tàu phần lớn thuộc các cỡ tàu chưa tham gia được sâu rộng vào thị trường có hiệu quả; áp lực chênh lệch tỷ giá do điều chỉnh lãi suất và chi phí nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực sĩ quan, thuyền viên có chất lượng đang thiếu hụt trầm trọng do bị các công ty tư nhân và nước ngoài thu hút với mức lương cao hơn. Trong năm 2018, thị trường vận tải biển công-ten-nơ phải đối mặt nhiều thách thức do các hãng tàu liên tục đầu tư tàu có tính năng hiện đại, đưa vào khai thác ngay khiến nguồn cung trên thị trường dư thừa, xu hướng đặt đóng tàu cỡ lớn và vận chuyển hàng lạnh đang gia tăng. Đơn cử, chỉ riêng tuyến vận tải tàu công-ten-nơ TP Hồ Chí Minh – Hải Phòng đã có sự cạnh tranh khốc liệt với khoảng 40 tàu chuyên dụng và bán chuyên dụng tham gia thị trường.

Trong năm nay, VIMC sẽ tập trung mở rộng thị trường; tiếp tục cơ cấu lại tài chính, xử lý dứt điểm các khoản nợ, tài sản xấu nhằm cắt lỗ tại các doanh nghiệp vận tải biển và nhóm cảng liên doanh; phát triển cao nhất dịch vụ tích hợp (cảng – vận tải biển – kho, bãi, trung tâm phân phối…) trên cơ sở tập trung đẩy mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống kho, bãi, đội tàu hiện hữu và các cảng nước sâu nhằm cung cấp dịch vụ logistics trọn gói cho khách hàng,… Thời gian tới, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, VIMC sẽ tiếp tục nghiên cứu, thoái vốn tại một số công ty cổ phần vận tải biển thành viên hiện đang nắm giữ 51% cổ phần như: Vận tải biển Việt Nam (VOSCO); Vận tải biển Vinaship. Việc thoái vốn nhằm tinh gọn, cắt giảm các khoản nợ, giúp VIMC tập trung nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng như: cảng biển, dịch vụ hàng hải. Tính đến tháng 12-2018, VIMC đang có 11 doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển, gồm 82 tàu với tổng trọng tải hơn 1,7 triệu DWT, tuổi tàu trung bình 15,7, chiếm 21,7% tổng trọng tải đội tàu quốc gia và chiếm hơn 18% thị phần trong nước.

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của VIMC thực hiện để vượt qua khó khăn thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, VIMC cần vận dụng các cơ chế chính sách để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết và sát thực hơn, báo cáo Ủy ban xem xét trước khi trình Đại hội cổ đông sắp tới. Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công, năm 2018, mức luân chuyển hàng hóa của VIMC chiếm khoảng 55,6% tổng lượng hàng hóa luân chuyển của các loại hình vận tải trong nước, giảm áp lực lên giao thông đường bộ, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa. Sau cổ phần hóa, VIMC cần phát huy thế mạnh để có lợi nhuận cao, khai thác cao nhất tính ưu việt của công ty cổ phần.

Báo Nhân dân