Thương hiệu mới VIMC đã có hàng loạt đổi mới từ phương thức quản trị đến chiến lược kinh doanh sau khi chuyển đổi mô hình.
Năm 2020, Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) đánh dấu lịch sử phát triển 25 năm với hàng loạt đổi mới từ phương thức quản trị đến chiến lược kinh doanh sau khi chuyển đổi mô hình với thương hiệu mới VIMC.
“Bứt phá” sau cổ phần hóa
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, sau khi chuyển đổi hoạt động với mô hình công ty cổ phần (ngày 1/9/2020), VIMC hiện có 35 doanh nghiệp thành viên, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu, bến cảng biển (chiếm gần 30% tổng số mét cầu bến quốc gia), khả năng thông qua hơn 100 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% của cả nước).
Trong số đó có các cảng trọng điểm như: Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. VIMC xác định đây là một thế mạnh mang đến sự khác biệt, hấp dẫn khách hàng và các nhà đầu tư về dài hạn.
Đáng chú ý, trong năm 2020, dù tất cả các ngành kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và mưa bão, song với sự quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, khối doanh nghiệp cảng biển của VIMC đã tìm cơ hội trong khó khăn, nỗ lực khai thác nguồn hàng trong bối cảnh thị trường toàn cầu thu hẹp, bứt phá sản lượng hàng hóa thông qua với lợi nhuận toàn khối đạt hơn 1.300 tỷ đồng.
Trong đó, Cảng Hải Phòng đã “cán đích” kế hoạch năm 2020 trước 10 ngày với sản lượng hàng hóa thông qua hợp nhất đạt 35,7 triệu tấn với doanh thu hợp nhất hơn 2.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 657 tỷ đồng; Cảng Đà Nẵng cán mốc 11 triệu tấn hàng hóa với tổng doanh thu tăng 11%, lợi nhuận tăng hơn 14,5% so với năm 2019.
Đặc biệt, Cảng Quy Nhơn sau khi được VIMC tiếp nhận, nhờ nỗ lực mở rộng thị trường với các tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp đi các nước khu vực Đông Bắc Á, kết nối nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên đi các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã cán đích sản lượng tấn hàng hóa thông qua thứ 11 triệu, lợi nhuận đạt 146 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm VIMC chưa tiếp nhận.
Đổi mới mô hình quản trị, áp dụng mạnh mẽ CNTT
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT VIMC nhấn mạnh, đối với bất cứ doanh nghiệp nhà nước nào, sau khi cổ phần hóa đều phải minh bạch thông tin và đổi mới mô hình quản trị. Đây chính là hai yếu tố then chốt để doanh nghiệp hoạt động và hoạt động hiệu quả trong nền kinh tế hội nhập.
Cũng theo ông Lê Anh Sơn, Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276 ngày 27/02/2017 xác định, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giữ vững được vị trí doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, phấn đấu đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao.
Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo VIMC đã chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống Business Intelligence (BI) là hệ thống báo cáo quản trị thông minh đang được ứng dụng tại rất nhiều công ty lớn trên thế giới và Việt Nam, từ đó giúp lãnh đạo đơn vị đưa ra hướng đi đúng đắn và cấp thiết.
“Việc ứng dụng công nghệ cũng được VIMC triển khai mạnh mẽ đối với hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng trọng điểm. Trong tương lai gần, VIMC đang hướng tới hình thành các “cảng điện tử”, sử dụng chứng từ điện tử eDO và sử dụng ePort thay cho phương án sử dụng DO giấy thông thường”, ông Lê Anh Sơn thông tin.
Hướng tới khách hàng là mục tiêu xuyên suốt
Song song với việc ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả quản trị, Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn cho rằng, để duy trì bền vững hiệu quả ba mảng kinh doanh hàng hải thuộc top đầu cả nước: Cảng biển, đội tàu biển và dịch vụ hàng hải, lợi thế khác biệt mà VIMC tạo ra chính là hình thành các chuỗi cung ứng khép kín và tích cực thúc đẩy đồng đều mọi công ty con phát triển theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực.
“Tinh thần của VIMC là các doanh nghiệp phải phát huy mọi tiềm năng của mỗi thành viên, hợp lực và phối hợp với các doanh nghiệp khác để đưa VIMC vươn lên vị thế dẫn đầu. Mọi hoạt động phải hướng tới những điều khách hàng cần, chứ không phải làm với những gì VIMC có. Chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, cải tiến quy trình, rút ngắn tối đa các thủ tục trong quản trị doanh nghiệp, trước hết trong chính Công ty mẹ – Tổng công ty và đến các doanh nghiệp; tạo ra được dịch vụ ưu thế; lấy công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty khi bước vào giai đoạn phát triển mới”, ông Lê Anh Sơn nói.