Xã hội hóa nạo vét các tuyến luồng hàng hải: Gỡ nỗi lo kinh phí

30/06/20 8:37 AM

Xã hội hóa nạo vét các tuyến luồng hàng hải là một trong những giải pháp hữu hiệu gỡ nỗi lo về kinh phí. Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, xã hội hóa nạo vét hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tuyến đường thủy nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu để gỡ nút thắt về vấn đề kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.

Cảng Tân Vũ – Hải Phòng

Không còn nỗi lo “tiền đâu”?

Hạ tầng giao thông nói chung, hàng hải và đường thủy nội địa nói riêng là nền tảng quan trọng đối với phát triển, đánh giá phát triển KT – XH của mọi quốc gia, vùng kinh tế. Đối với lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, ngoài các cảng biển, bến phao, bến thủy nội địa còn có hệ thống luồng lạch, khu neo đậu, chuyển tải, tránh trú… Đây là những hạng mục phụ thuộc, bị ảnh hưởng nhiều vào yếu tố tự nhiên. Các hạng mục này nếu không được xây dựng, bảo trì tốt thì toàn bộ hệ thống giao thông đường thủy nội địa, hàng hải sẽ không vận hành được hoặc vận hành không phát huy được hiệu quả do thiếu đồng bộ.

Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chưa đủ để phân bổ, đáp ứng đủ cho việc bảo trì duy trì, xây
dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa; thì việc huy động, thu hút được nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện nạo vét luồng lạch, khu nước kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa được đánh giá là một kênh chiến lược thu hút đầu tư quan trọng để đạt được mục tiêu phát triển KT – XH. Nỗi lo tiền đâu để đầu tư vào nạo vét đường thủy nội địa đã được tháo gỡ.

Xác định rõ tầm quan trọng của việc xã hội hóa trong lĩnh vực này, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này. Trong đó có, Quyết định số: 73/2013/QĐ-TTg về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải do Bộ Giao thông Vận tải quản lý; Nghị định số 159/2018/NĐ-CP, ngày 28.11.2018 về việc quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; Thông tư số: 33/2019/TT-BGTVT và 35/2019/TT-BGTVT Quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nướcđường thủy nội địa… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thu hút hiệu quả hơn các nhà đầu tư vào lĩnh vực nạo vét các tuyến luồng hàng hải.

Cảng Tiên Sa – Đà Nẵng

Ngoài ra, xã hội hóa việc nạo vét hàng hải sẽ mang lại nguồn doanh thu cho ngân sách nhà nước như: Thuế tài nguyên, phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác, cũng như các loại thuế, phí khác theo quy định. Đây là nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Dự án được triển khai dưới hình thức xã hội hóa là cơ sở để quản lý các đơn vị thi công có đăng ký, có cấp phép hoạt động, mang lại chất lượng thi công đảm bảo về kỹ thuật, môi trường, an toàn hàng hải và không làm thất thoát các khoản thu thuế, phí của nhà nước. Qua đó, giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và thất thu cho ngân sách nhà nước. Và điều quan trọng là, nhà nước, nhà đầu tư và người dân, doanh nghiệp tham gia, khai thác giao thông đường thủy đều được hưởng lợi từ triển khai xã hội hóa lĩnh vực này.

Tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư

Có thể nói, cơ chế xã hội hóa công tác nạo vét, duy tu luồng hàng hải, cảng biển đã mở ra cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Để tạo sự minh bạch, cũng như sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố Danh mục dự án xã hội hóa nạo vét duy tu, đảm bảo giao thông, kết hợp tận thu sản phẩm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải và tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng quy định rất rõ về trình tự, thủ tục triển khai các dự án này rất chặt chẽ. Theo đó, phương tiện, thiết bị thi công bắt buộc phải có gắn hệ thống thiết bị giám sát hành trình, camera ghi hình và chịu sự giám sát cộng đồng. Nhà đầu tư sau khi ký kết hợp đồng dự án với cơ quan quản lý nhà nước, phải tuân thủ các quy định của Chính quyền địa phương và các Bộ ngành liên quan.

Ngoài ra, để ngăn ngừa nguy cơ lợi dụng dự án xã hội hóa nạo vét để khai thác “cát tặc”, nghị định và thông tư hướng dẫn đưa ra hàng loạt yêu cầu cụ thể. Theo đó, phân rõ trách nhiệm và giám sát nghiêm ngặt đối với dự án trên tất cả các khâu từ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án chuyển tiếp; đến thi công, bàn giao dự án hoàn thành. Nhà đầu tư cũng có trách nhiệm lựa chọn tư vấn giám sát độc lập thi công, nghiệm thu và toàn bộ dự án trình cơ quan QLNN chấp thuận; trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có quyền lựa chọn tư vấn hỗ trợ giám sát thực hiện hợp đồng dự án.

Theo quy định chung, sau khi Bộ GTVT công bố danh mục dự án xã hội hóa đầu tư nạo vét hàng hải (vùng nước cảng biển) quốc gia, Cục HHVN tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để mời thầu và đàm phán hợp đồng dự án, trình Bộ GTVT phê duyệt. Cục HHVN tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi và thực hiện giám sát dự án theo quy định. Điều này sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư có nguyện vọng và năng lực, đều có thể tham gia dự án.

Thực hiện nội dung này, mới đây, UBND TP. HCM đã đồng ý chủ trương thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải và tuyến đường thủy nội địa sông theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Cụ thể, thành phố thông qua chủ trương tiếp tục triển khai Dự án Xã hội hóa đầu tư xây dựng khu neo đậu, chuyển tải, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp. Dự án này nằm ở vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ TP. HCM do Công ty CPĐT Khai thác Cảng làm chủ đầu tư. Dự án nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim luồng Tắc ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu. Phương thức thực hiện là kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách nhà nước. Một dự án khác cũng thực hiện theo phương thức này là dự án xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu – Tắc Bài đến sông Gò Gia.

Với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, tin rằng, việc xã hội hóa nạo vét các tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa sẽ phát huy được hiệu quả, giải quyết được hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân cũng như doanh nghiệp thụ hưởng. Thu hút được nguồn lực mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển được KTXH cho các vùng kinh tế và cả nước theo chủ trương khuyến khích, đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Báo Giao thông