Nhiều đơn vị thuộc Bộ GTVT đánh giá, xây dựng cảng Liên Chiểu với vai trò cửa ngõ quốc tế là cấp thiết nhưng không nên lãng phí cảng Tiên Sa.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng
Lãng phí khi cảng Tiên Sa chỉ làm du lịch?
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện đơn vị tư vấn (liên danh Công ty CP TVXD công trình Hàng hải – Công ty CP TVXD Cảng – Đường thủy – Trung tâm TVĐT Phát triển Giao thông vận tải) cho hay, cảng biển Đà Nẵng là cảng loại 1, đang từng bước đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, gồm: Bến Tiên Sa, bến Thọ Quang và bến Liên Chiểu.
Trong đó, bến Tiên Sa gồm bến tàu hàng, container và bến khách quốc tế cho tàu 50.000 tấn, tàu container 4.000 TEUs, tàu khách đến 225.000GT.
Bến Liên Chiểu có quy mô lớn nhất với chức năng giảm tải cho bến Tiên Sa, dần phát triển thành bến chính với vai trò cửa ngõ quốc tế. Bến có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn, tàu container đến 8.000 TEUs (lớn hơn đến 18.000 TEUs, tàu 200.000 tấn).
Nhiều ý kiến cho rằng nếu cảng Tiên Sa chỉ phục vụ mục đích du lịch sẽ rất lãng phí
Qua khảo sát, đơn vị tư vấn cho rằng, khi bến Liên Chiểu chưa đưa vào khai thác, bến Tiên Sa vẫn là khu bến chính. Tư vấn kiến nghị tăng giờ hoạt động của phương tiện ra vào cảng, nhất là lúc thấp điểm du lịch như hiện nay. Khi bến Liên Chiểu đưa vào khai thác thì vẫn cần giữ nguyên công suất, công năng khu bến Tiên Sa (ưu tiên làm hàng sạch container và tiếp nhận tàu khách quốc tế).
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, với mức tăng trưởng hiện nay, đến năm 2022 thì sản lượng hàng tại cảng Tiên Sa sẽ chạm trần 12 triệu tấn/năm. Nếu không có phương án thoát hàng thì buộc phải điều chỉnh lượng hàng hóa qua khu khác, bến khác.
“Sau khi hoàn thành cảng Liên Chiểu vẫn cần giữ lại cảng Tiên Sa đón tàu quốc tế và tàu container. Nếu chỉ khai thác khách du lịch thì không thể khai thác hết công năng của cảng Tiên Sa, rất lãng phí”, ông Sang nói.
Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cũng cho rằng, cảng Tiên Sa đã đạt được sản lượng container 540 nghìn TEUs, một con số kỷ lục và con số này sẽ con tăng nữa. Trong 3 năm tới, còn có thể phấn đấu lên 1 triệu TEUs. Do đó, việc đầu tư cảng Liên Chiểu là cần thiết nhưng vẫn cần duy trì cảng Tiên Sa về cả công năng du lịch và hàng hóa.
Theo ông Lê Thành Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, quy hoạch chung của thành phố đến 2030, tầm nhìn 2045 sẽ chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch sau năm 2030.
Như vậy, dù giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu hoàn thành năm 2024 thì từ đó đến 2030 vẫn sử dụng cảng Tiên Sa vận chuyển hàng hóa.
“Việc giới hạn trần công suất 10 triệu tấn do thời điểm đó lượng hàng hóa, xe container di chuyển qua nội đô rất lớn. Trong khi đó thành phố chưa có điều kiện cải tạo, nâng cấp trục Ngô Quyền. Sau khi trục này đưa vào khai thác kết hợp cảng cạn tại Hòa Vang thì công suất đường bộ nâng lên rất nhiều”, ông Hưng nói.
Sớm có vị trí đổ thải để nạo vét cảng Tiên Sa
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, Đà Nẵng nằm trên tuyến vận tải quốc tế, là lợi thế lớn của thành phố, các tổ chức quốc tế đánh giá cảng biển Đà Nẵng là tiềm năng cần được khai thác.
Thứ trưởng Nhật cũng đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng công suất lên hơn nữa. Đồng thời đề nghị Sở GTVT Đà Nẵng tham mưu Chủ tịch, Bí thư thành phố đăng ký làm việc ngay với Thủ tướng Chính phủ để đẩy nhanh các thủ tục liên quan cảng Liên Chiểu.
Về việc tìm vị trí đổ thải sau khi nạo vét luồng cảng, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, 2 năm qua phải trả lại 1.000 tỷ cho Chính phủ vì không có vị trí đổ thải.
“Đề nghị Sở TN&MT thành phố hỗ trợ Cục Hàng hải vị trí đổ thải trên bờ hoặc là vị trí nhấn chìm. Có được điều này chúng tôi mới nạo vét được cảng Tiên Sa, điều này là vì sự phát triển của địa phương”, Thứ trưởng nói.
Theo ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành tìm vị trí đổ thải
Theo ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vấn đề đổ thải sau nạo vét thì không riêng Đà Nẵng mà tỉnh thành nào cũng gặp khó. Lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành tìm bãi đổ thải.
Ông Nam cho rằng, đổ trên bờ là tốt nhất, còn không thì phải đổ xuống biển. Bình thường thải nạo vét thành phần khoảng 80% là cát nhiễm mặn, còn lại là bùn.
“Bùn thì chưa biết xử lý thế nào nhưng cát nhiễm mặn nếu đổ trên bờ thì bị mặn hóa đất, rõ ràng là khó. Theo ông Nam, có thể nghiên cứu tách bùn ra để lấy cát nhiễm mặn đổ các vị trí ven biển đang cần”, ông Nam nói.