Doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt đầu tư

24/03/22 1:53 PM

Ngày 24/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội”, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, tổng công ty đã báo cáo, thảo luận, cho ý kiến về những đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước, những tồn tại hạn chế và những phương hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để phát triển doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội”

Đóng góp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đang nắm giữ

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

Về đóng góp cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của doanh nghiệp nhà nước là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh. Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 18,9 lần. Tiếp đến là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước 17 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13 lần.

Cho ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng kết quả hoạt động và đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là nguồn lực đang nắm giữ và thị trường đang chi phối.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để phát triển doanh nghiệp nhà nước - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại hội nghị

Cụ thể là, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Cùng với đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong giai đoạn 2016-2020 rất ít dự án, công trình mới có quy mô lớn của doanh nghiệp nhà nước được khởi công. Các doanh nghiệp nhà nước chỉ tiếp tục thực hiện các dự án dở dang hoặc xử lý các dự án không hiệu quả từ giai đoạn trước.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu toàn diện doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính hình thức, mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao.

Về phương hướng, giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất cần tăng đầu tư, đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt và cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt.

Bên cạnh đó là gắn phát triển doanh nghiệp nhà nước với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của doanh nghiệp nhà nước phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước như: năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia…

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về doanh nghiệp nhà nước, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát.

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt đầu tư

Cho ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, giai đoạn 2021 – 2025 cần phát huy nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia vào phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, tham gia các dự án lớn của Nhà nước.

Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty tập trung thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng cao nhất đối với các dự án đầu tư đang được triển khai hoặc có kế hoạch triển khai, đặc biệt là những Dự án trọng điểm như: Xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Nâng cấp, mở rộng cảng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; xây dựng Cảng biển nước sâu Lạch Huyện; Chuỗi dự án khí – điện Lô B và Cá Voi Xanh; Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các dự án xây dựng nhà máy điện, lưới điện…

Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng cho rằng, cần khẩn trương rà soát, giãn, hoãn ngay các dự án đầu tư chưa cấp thiết, chưa đủ điều kiện thực hiện, chưa đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các dự án đầu tư quan trọng, cấp thiết. Bên cạnh đó là xử lý sớm và dứt điểm các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả để thu hồi vốn và giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước.

Một giải pháp quan trọng khác mà ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh là nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, lựa chọn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược cho các tập đoàn, tổng công ty, có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; chú trọng phát triển lãnh đạo quản lý có năng lực chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư lớn mà doanh nghiệp đang triển khai; nghiên cứu cơ chế nâng cao chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài, chuyên gia.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn phát biểu tại Hội nghị

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) Lê Anh Sơn cho rằng, doanh nghiệp mạnh có nhiều yếu tố, trong đó là yếu tố con người, tập thể. Và muốn đội ngũ đó phát huy được thì phải có môi trường thuận lợi.

Ông Lê Anh Sơn lấy ví dụ từ thực tiễn trong quá trình tái cơ cấu tại VIMC, từ doanh nghiệp sắp phá sản hiện đã hoạt động bình thường. Trong quá trình tái cơ cấu đó, Tổng công ty đã chuyển từ bổ nhiệm chuyển sang tuyển dụng một cách rộng rãi, minh bạch, công khai; tìm được người tài và trả lương tương xứng. Từ đó đã tìm được những người chuyển đổi được hoạt động kinh doanh doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Lê Anh Sơn nhấn mạnh đến việc cải cách thể chế, pháp luật về quản lý tài sản công, quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đấu thầu,… để tạo ra môi trường để những nhà quản lý doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực thi.

Báo Tin tức/TTXVN