Đội tàu của Việt Nam thêm nỗi lo chi phí

1/10/19 9:06 AM

Nỗi lo về quy định về nhiên liệu của IMO chưa dứt, DN vận tải biển Việt Nam lại sắp phải nâng cấp đội tàu già để đáp ứng quy chuẩn nước dằn tàu.

Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đối mặt nhiều thách thức về tài chính trong bối cảnh quy chuẩn về nhiên liệu, kỹ thuật trong hàng hải ngày càng siết chặt 

“Mối họa” với môi trường biển ngày càng lớn

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải VN) cho biết, hiện nay, khối lượng hàng hóa lưu thông bằng đường biển chiếm đến 90% tổng lượng hàng hóa vận tải, do đó, khối lượng nước dằn tàu thải ra môi trường cũng gia tăng. Có hàng ngàn loại thủy sinh (vi khuẩn, ấu nang và ấu trùng,…) được vận chuyển từ nơi này sang nơi khác trên biển.

Theo ước tính, hàng năm trên thế giới thiệt hại do sinh vật ngoại lai gây ra trong quá trình luân chuyển nước dằn tàu lên tới khoảng 10 tỷ USD/năm. Mức độ hủy hoại môi trường của các loại thủy sinh trong nước dằn tàu còn nghiêm trọng hơn ô nhiễm do tràn dầu.

“Nhằm ngăn chặn nguy cơ trên, Công ước quốc tế về quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu 2004 (Công ước BWM) đã được Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) thông qua vào năm 2004 và có hiệu lực từ tháng 8/2017. Tính đến tháng 8/2019, Công ước đã nhận sự phê chuẩn của 81 quốc gia, đạt gần 81% tổng dung tích đội tàu thế giới”, bà Tú Anh thông tin.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Hàng hải, Việt Nam là quốc gia có vùng biển rộng lớn, là điểm kết nối giữa các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á với Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương có lưu lượng tàu, thuyền qua lại lớn, nguy cơ ô nhiễm từ nước dằn tàu ở mức cao, nhưng hiện nước ta chưa là thành viên Công ước BWM nên sẽ không có quyền thực hiện kiểm tra Nhà nước tại cảng để xác nhận tàu thỏa mãn các yêu cầu tương ứng về quản lý nước dằn.

“Thực tế hiện nay, đội tàu chúng ta chỉ đảm nhận khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, 90% hàng còn lại do đội tàu nước ngoài chuyên chở. Đồng nghĩa, tàu nước ngoài đến Việt Nam rất nhiều, nhưng Nhà nước không có thẩm quyền kiểm tra gì với đội tàu đó theo quy định của Công ước. Công tác kiểm soát, bảo vệ môi trường của Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải sớm tham gia công ước BWM”, bà Tú Anh cho hay.

Doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đối mặt nhiều thách thức về tài chính trong bối cảnh quy chuẩn về nhiên liệu, kỹ thuật trong hàng hải ngày càng siết chặt 

Đội tàu “già” thêm gánh nặng

Đại diện Cục Hàng hải VN cũng cho biết, Công ước có hiệu lực tác động rất lớn đến đội tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế, nhất là các tàu hiện hữu chưa được trang bị hệ thống quản lý nước dằn phải lắp đặt hệ thống này tại đợt kiểm tra cấp mới IOPP đầu tiên sau ngày 8/9/2019 để có thể tiếp tục khai thác trong vùng lãnh hải của các quốc gia là thành viên Công ước trên.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Văn Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu VN cho rằng, việc tham gia Công ước BWM của Việt Nam là cần thiết để bảo vệ vùng nước cảng biển tốt hơn, quyền lợi của các đội tàu cũng được đảm bảo hơn khi hoạt động trên vùng biển các quốc gia đang thành viên của Công ước.

Tuy vậy, ông Trung bày tỏ lo ngại khi tới đây, bổ sung thêm thiết bị kỹ thuật, kết cấu của đội tàu “già” gồm hơn 560 tàu chạy tuyến quốc tế của Việt Nam hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng lớn, quy trình vận hành sẽ khó khăn hơn. Các tàu này chủ yếu hiện trên 15 tuổi.

“Đặc biệt, chi phí lắp đặt hệ thống xử lý nước dằn tàu hiện dao động từ 65.000 – 70.000 USD, cao nhất có thể tới 140.000 USD. Đây là trở ngại lớn với các doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn chính sách giới hạn hàm lượng lưu huỳnh trong tàu biển của IMO cũng sắp có hiệu lực (từ 1/1/2020). Việc DN vừa phải đầu tư chi phí cho nhiên liệu mới/lắp đặt máy lọc nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, vừa phải trang bị máy quản lý nước dằn tàu là rất nặng nề, giá trị đầu tư có thể tương đương với giá trị một con tàu hiện hữu”, ông Trung nói.

Từ thực trạng trên, nhiều DN vận tải biển cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ tài chính cho các DN được vay vốn đầu tư hoặc có cơ chế hỗ trợ theo lộ trình, theo từng phân khúc tàu, giúp đội tàu biển Việt Nam có cơ hội cải tiến, nâng cao chất lượng vận hành và “vượt ải”, thực thi các công ước quốc tế hiệu quả nhất.

Báo Giao thông