Thêm lợi thế cạnh tranh cho Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng

10/08/21 7:35 AM

Trong bối cảnh cảng Hoàng Diệu phải di dời, các cảng cạnh tranh gay gắt, việc đầu tư 2 cầu cảng nước sâu kỳ vọng sẽ đem đến lợi thế cạnh tranh mới cho Công ty CP Cảng Hải Phòng.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Hưởng lợi nhờ tăng trưởng xuất nhập khẩu

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã PHP) ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hợp nhất dự kiến là 1.190 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch năm 2021 và tăng 14,8% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Việc cải thiện kết quả kinh doanh của Cảng Hải Phòng nằm trong xu hướng chung của hầu hết doanh nghiệp cảng biển trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân được đánh giá đến từ tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa qua các cảng trong 6 tháng đầu năm đã hỗ trợ tích cực cho bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt gần 363 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng hàng container đạt hơn 12,4 triệu teus, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng container xuất khẩu ước đạt gần 4 triệu teus, tăng 17%; hàng container nhập khẩu ước đạt hơn 4,1 triệu teus, tăng 26% và hàng container nội địa ước đạt hơn 4,3 triệu teus, tăng 24%. Đây là mức tăng trưởng cao so với những năm gần đây.

Động lực tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu đến từ các hiệp định thương mại tự do cũng như xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, mang lại cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là hàng hóa thông quan qua các cảng biển.

Dự án cảng nước sâu cần nhiều thời gian

CTCP Cảng Hải Phòng đang quản lý và vận hành 3 bến cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ, Tân Vũ và nắm 51% vốn tại cảng Đình Vũ. Cả 4 cảng đều nằm tại khu vực Hải Phòng với tổng công suất thiết kế khoảng 2,1 triệu teus/năm. Mặc dù là doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần thông quan container lớn nhất tại cụm cảng Hải Phòng – cụm cảng lớn thứ hai của Việt Nam với vị trí thuận lợi để đi vào khu vực phía Bắc, nhưng lợi thế cạnh tranh của Cảng Hải Phòng đang gặp khó khăn do cảng Hoàng Diệu và cảng Chùa Vẽ có vị trí nằm ở thượng nguồn sông Cấm, bị hạn chế về lợi thế thu hút khách hàng so với các cảng phía hạ nguồn.

Phối cảnh của Dự án bến số 3 và số 4 Cảng Hải Phòng tại Lạch Huyện

Tại cảng Hoàng Diệu, theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, sẽ phải di dời phù hợp với kế hoạch xây dựng cầu Nguyễn Trãi, cầu Hoàng Văn Thụ. Với công suất khoảng 10 triệu tấn/năm, việc di dời cảng Hoàng Diệu khiến Cảng Hải Phòng phải chuyển các khách hàng hiện hữu về các cảng Tân Vũ, Chùa Vẽ và tăng áp lực khai thác cho các cảng này, mặt khác là nguy cơ hao hụt khách hàng sang các cảng khác do các cảng này không có lợi thế về giao thông kết nối trực tiếp với đường sắt như cảng Hoàng Diệu.

Trong khi đó, với các cảng hiện hữu như Tân Vũ và Đình Vũ, mặc dù nằm ở hạ nguồn sông Cấm, đón nhận xu hướng dịch chuyển của khách hàng từ phía thượng nguồn xuống hạ nguồn, nhưng cũng chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ từ các cảng lân cận như Nam Đình Vũ, VIP Green… Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển nguồn hàng sang các khu vực nước sâu, gần cửa biển.

“Tình hình cạnh tranh giữa các cảng biển khu vực Hải Phòng ngày càng gay gắt. Sự phát triển nhanh chóng của Cảng quốc tế Lạch Huyện dẫn đến thị phần hàng container bị chia sẻ. Từ tháng 6/2020, cảng Mipec đi vào hoạt động, khai thác cả hàng container và hàng ngoài. Cạnh tranh khốc liệt giữa các cảng đã đẩy giá cước dịch vụ xếp dỡ xuống thấp, đặc biệt với hàng hóa vận chuyển nội địa”, Báo cáo của HĐQT Cảng Hải Phòng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 cho biết.

Hiện nay, Cảng Hải Phòng đang đầu tư 2 cầu cảng nước sâu tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (HIGP) trên đảo Cát Hải. Theo đề xuất phương án đầu tư trình ĐHĐCĐ 2021, dự án bao gồm hai cầu cảng số 3, 4 (trong tổng số 7 cầu cảng được phê duyệt theo Quyết định số 2973/QĐ-BGTVT của Bộ Giao thông – Vận tải) với tổng chiều dài bến 750 m, có khả năng chứa tàu 100.000 DWT, cùng bến sà lan công suất từ 100 đến 160 teus. Dự án được thiết kế để có thể tiếp nhận 1,1 triệu teus/năm, với tổng mức đầu tư 6.946 tỷ đồng. Cơ cấu vốn dự kiến 45% vốn tự có, còn lại là vốn vay.

Với 2 cầu cảng nước sâu nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, là vùng kinh tế ven biển trọng điểm và đang phát triển mạnh với các dự án lớn, hứa hẹn sẽ bổ sung đáng kể nguồn hàng hoá cho các cảng biển tại đây, trong đó có Cảng Hải Phòng. Tuy vậy, với kế hoạch khởi công từ quý III/2021, dự kiến sớm nhất phải đến năm 2023 cầu cảng đầu tiên của Cảng Hải Phòng mới có thể bắt đầu hoạt động và đến năm 2025 dự án mới hoàn tất.

Phương án di dời cảng Hoàng Diệu được kỳ vọng có thể đem đến lợi nhuận đột biến cho Cảng Hải Phòng khi Cảng Hải Phòng đề xuất chịu chi phí di dời, nhưng đổi lại, quỹ đất tại cảng Hoàng Diệu có thể được bán đấu giá để giúp Cảng Hải Phòng tài trợ chi phí di dời và tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh.

Báo Đầu tư