Vì sao TP HCM muốn thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển?

3/07/20 8:13 AM

Thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại TP HCM được đánh giá phù hợp nhưng cần tính toán và cân nhắc nhiều vấn đề

TP HCM đang xây dựng đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tương tự Hải Phòng

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đang xây dựng đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP (gọi tắt là đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển), dự kiến tháng 8 sẽ trình UBND TP xem xét, thông qua để thực hiện các bước tiếp theo.

Kinh nghiệm từ Hải Phòng

Đề án thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển được Sở GTVT TP HCM xây dựng dựa trên kinh nghiệm, mô hình đang thực hiện tại TP Hải Phòng – nơi triển khai đầu tiên ở cả nước. Tại TP HCM, ngoài vị trí địa lý, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển hiện cũng tương đồng với Hải Phòng.

Theo Sở GTVT, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP HCM có 4 khu bến chính, gồm: khu bến cảng Cát Lái (7 bến cảng), khu bến cảng trên sông Sài Gòn (12 bến cảng), khu bến cảng Hiệp Phước (12 bến cảng), khu bến cảng Nhà Bè (11 bến cảng). Những bến cảng này nằm dọc các dòng sông từ phía Đông xuống phía Nam TP, kết nối nhiều trục đường chính. Với đặc thù như vậy, phần lớn cảng biển và hạ tầng kết nối cảng biển nằm trong đô thị TP HCM.

Sở GTVT cũng cho biết hiện nay, sản lượng hàng hóa qua cảng biển tại TP đã vượt mức dự báo, khi sản lượng thực tế của năm 2019 đã tương đương dự báo của năm 2025. Trong khi, theo phân tích từ Sở GTVT, với tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân 5%/năm, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển chủ yếu bằng đường bộ nên xe chở hàng ra vào cụm cảng rất lớn, dẫn đến sự quá tải ở nhiều tuyến đường. Thực tế, các tuyến kết nối chính hiện nay như Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh (quận 2)…, áp lực kẹt xe ngày càng nặng nề. Vì vậy, để có nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng kết nối cảng biển, giảm ùn tắc, tai nạn, thời gian vận chuyển… trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp, Sở GTVT đánh giá việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển phù hợp về mặt địa lý và cơ sở pháp lý.

Về nguyên tắc xây dựng mức phí, Sở GTVT TP sẽ sử dụng phương pháp so sánh mức phí các địa phương có điều kiện tương tự TP như Hải Phòng, Quảng Ninh… để lựa chọn mức phí phù hợp. Trong đó, ưu tiên xây dựng mức thu phí cho hàng xuất nhập khẩu do hiện nay tỉ trọng hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng gửi kho ngoại quan trong tổng số hàng hóa thông qua cụm cảng biển chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Sau khi thu phí, dự kiến sẽ trích lại tối đa không quá 10% số thu để phục vụ công tác thu phí như Hải Phòng đang làm.

Những vấn đề cần tính toán

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, đồng tình việc thu phí hạ tầng cảng biển, song vẫn lo ngại nhiều vấn đề. Với hoạt động hiện nay ở các cảng biển trên địa bàn TP, ông Quản đánh giá mức thu được không nhỏ, song cần xác định sử dụng số tiền đó quay lại đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường vào các khu cảng. “Bởi khi đó đường sẽ giảm kẹt xe, kéo theo chi phí logistics thấp, góp phần quan trọng vào việc thuận lợi hóa thương mại, tạo giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu” – ông Quản đánh giá.

Đặc biệt, ông Bùi Văn Quản cho rằng một vấn đề quan trọng khác là đề án thu phí cần tính đến yếu tố là không như Hải Phòng, tại TP HCM xung quanh gồm các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An…, hiện cũng có những cảng biển lớn. Giữa các cảng hiện nay vốn có nhiều cạnh tranh, vì vậy khi TP HCM áp dụng thu phí, khả năng rất cao không ít doanh nghiệp sẽ chuyển qua các cảng biển ở những địa phương nêu trên do không thu phí. “Việc đó kéo theo khả năng giảm năng suất khai thác ở các cảng biển tại TP. Chưa kể, doanh nghiệp chuyển về các cảng xung quanh có thể sẽ chạy vòng qua các tuyến đường tại TP – vốn đang chịu áp lực nặng nề, làm nguy cơ kẹt xe gia tăng. Do đó, TP HCM cần nghiên cứu kỹ phương án thực hiện đồng bộ với những cụm cảng xung quanh” – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM góp ý.

Đồng tình với quan điểm trên, phó tổng giám đốc một công ty đang quản lý một cảng ở TP HCM cho rằng Hải Phòng thu được phí là bởi hàng hóa ở các nơi phải về TP này. Trong khi tại TP HCM, rất nhiều cảng ở khu vực lân cận cạnh tranh và thực tế hiện nay, những cảng đó đã thu hút một lượng lớn hàng của các doanh nghiệp. Việc thu phí cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các hãng tàu sẽ di chuyển đến các cảng khác, thậm chí tỉnh khác, làm thất thu cho các vấn đề liên quan ngân sách TP trong hoạt động hải quan, cảng biển… “Các vấn đề trên cần lấy ý kiến từ các cảng, phía hiệp hội và các phía đối lập nhau để có tiếng nói chung. Bởi các bên liên quan gồm Hội Xuất nhập khẩu, Hiệp hội Người tiêu dùng, Hiệp hội Logistics, Hiệp hội Cảng biển… Nếu không thận trọng có thể lợi bất cập hại nên cần phân tích cụ thể, hài hòa là thu như thế nào, thu bao nhiêu, đối tượng thu…, để tránh gây áp lực chi của các đối tượng…” – phó tổng giám đốc nêu trên đánh giá.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, nói với tư cách cá nhân, ông cho rằng nếu TP thu đúng mục đích, thu đủ và đầu tư lại đúng, hiệu quả thì các doanh nghiệp logistics sẽ đồng tình. “TP HCM nên tổ chức phương thức thu sao cho thuận tiện, hợp lý, như thu online…, để tránh việc thu phí thủ công, làm tốn thời gian cho doanh nghiệp. Vì thực tế ở Hải Phòng, ban đầu đã có tình trạng tốn mấy giờ cho việc này, khi đó các doanh nghiệp vận tải sẽ phản ứng. Điều quan trọng là cách tính, cách thu và đường đi nguồn thu hợp lý, tái đầu tư hạ tầng “cứng” “mềm” sao cho hiệu quả” – ông Khoa nói.

Báo Người Lao động