Cảng lo mất khách, hãng tàu sợ đội chi phí do luồng cạn

11/10/19 9:21 AM

Cục Hàng hải VN đang nỗ lực tìm vị trí đổ vật liệu nạo vét, tổ chức thi công “khơi thông” bồi lắng nhiều tuyến luồng hàng hải quan trọng…

Khó khăn trong việc tìm kiếm vị trí đổ vật liệu nạo vét khiến cho công tác duy tu, nâng cấp luồng không được triển khai kịp thời, ảnh hưởng đến hoạt động tiếp nhận tàu ở các cảng container

Nỗi lo luồng cạn, bồi lắng

Ông Phan Tuấn Linh, TGĐ Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho biết, theo thông báo hàng hải mới nhất, độ sâu của tuyến luồng hàng hải cảng Quy Nhơn đang ở mức -9,8m, thấp hơn 1,2m so với chuẩn tắc của luồng (-11m).

“Thông thường, tàu trọng tải 50.000 DWT nếu xếp đúng đặc thù của hàng hóa sẽ được 40.000 tấn hàng và lưu thông thuận lợi vào cảng làm hàng. Song do luồng cạn nên tàu chỉ xếp được khoảng 35.000 tấn. Có nghĩa, mỗi chuyến tàu phải cắt khoảng 5.000 tấn hàng. Ước tính, 9 tháng đầu năm 2019, cảng Quy Nhơn “thất thoát” khoảng 500.000 tấn hàng rời do các tàu phải giảm tải. Với chi chi phí làm hàng khoảng 20.000 đồng/tấn, cảng đã mất khoản doanh thu khoảng 10 tỷ đồng”, ông Linh nói.

Tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) cảng container cũng đang chung nỗi lo khó tìm kiếm hãng tàu mới vào khai thác do tuyến luồng Vũng Tàu – Thị Vải thường xuyên bị bồi lắng.

Đại diện Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, độ sâu luồng vào cảng đạt khoảng -13,8m, có dải cạn độ sâu luồng còn thấp hơn so với chuẩn tắc luồng là -14m. “Hiện tàu container vào Cái Mép – Thị Vải thường có trọng tải từ 110.000 – 190.000 DWT. Trọng tải tàu hàng rời cũng đã lên đến 150.000 DWT. Thực tế, với những cỡ tàu này, luồng vào cảng cần đạt tới độ sâu -15,5m tàu mới có thể hành hải 24/7 mà không phải chờ thủy triều. Tuy nhiên, việc duy trì độ sâu luồng theo thiết kế -14m vẫn chưa đảm bảo, việc nâng cấp luồng sẽ còn nhiều khó khăn”, đại diện CMIT chia sẻ.

Ở khu vực phía Bắc, ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines cho biết, hiện nay luồng vào các cảng như: Nam Hải, Nam Đình Vũ… chỉ dao động từ 6,5 – 6,8m thấp hơn so với chuẩn tắc thiết kế từ 0,2 – 0,5m. “Tính toán, luồng cạn 20 – 40cm, các tàu sẽ phải cắt đi khoảng 100 – 200 TEU/chuyến, bình quân mỗi TEU mất khoảng 50 – 60 USD, tương đương mỗi chuyến tàu, hãng tàu sẽ chịu tổn thất từ 500 – 1.000USD.

Trường hợp tàu có mớn nước hơn 9m khi đầy tải sẽ buộc phải vào Lạch Huyện dỡ bớt hàng hóa mới có thể lưu thông vào các cảng phía trong. Khi đó, chi phí xếp dỡ hàng hóa, tàu lai, hoa tiêu, phí nằm cầu hãng tàu phải bỏ thêm có thể tới gần chục nghìn USD”, ông Mạnh nói.

Thúc các công trình nạo vét

Theo Quyết định số 2785 về việc phê duyệt Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, năm 2019, khu vực miền Bắc có 9 luồng hàng hải được bảo trì, khu vực miền Nam có 5 luồng được duy tu, nạo vét cùng một số luồng được chuyển tiếp từ năm 2018. Tổng kinh phí được duyệt là hơn 1.460 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, thời gian qua, Cục Hàng hải VN đã tích cực phối hợp với các Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải (ATHH) làm việc với các địa phương tìm vị trí đổ vật liệu nạo vét trên bờ trong giai đoạn việc nhận chìm chất nạo vét ngoài biển vướng thủ tục.

Theo ông Việt, đối với khu vực phía Nam, hiện công tác nạo vét luồng Vũng Tàu – Thị Vải mới khởi công từ ngày 3/10, khối lượng nạo vét khoảng 580.000m3, kinh phí nạo vét khoảng 70 tỷ đồng. Chất thải nạo vét sẽ được đổ trên bờ khu vực sông Mỏ Nhát. “Luồng hàng hải Quy Nhơn, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công đang được tiến hành. Thời gian khởi công dự kiến vào đầu tháng 11/2019, khối lượng nạo vét khoảng 250.000m3 để luồng đạt chuẩn tắc -11m, kinh phí nạo vét khoảng 16 tỷ đồng. Chất nạo vét sẽ phục vụ san lấp nền dự án Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Nại. Cục Hàng hải VN đang đốc thúc các đơn vị phấn đấu hoàn thành nạo vét trong năm 2019”, ông Việt thông tin.

Riêng tuyến luồng Sài Gòn – Vũng Tàu, đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, do khó khăn trong tìm vị trí đổ thải nên công tác nạo vét rất có thể bị kéo dài sang đến đầu năm 2020.

Thông tin về tiến độ nạo vét các tuyến luồng miền Bắc, ông Dương Ngọc Đức, Phó TGĐ Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc cho biết, năm 2019, tổng công ty được giao bảo trì 9 tuyến luồng, nhưng có 3 tuyến: Cửa Lò, Vũng Áng, Đà Nẵng bị loại khỏi danh mục duy tu trong năm nay do chưa tìm được vị trí đổ vật liệu nạo vét.

Với 6 tuyến còn lại, Tổng công ty Bảo đảm ATHH miền Bắc đã hoàn thành nạo vét luồng Thuận An và luồng Hải Thịnh trong tháng 9/2019. 4 công trình khác đang trong thời gian thi công.

Cũng theo ông Đức, từ năm 2017, do vướng về thủ tục nhận chìm chất nạo vét ra biển nên hầu hết các công trình nạo vét duy tu đều sử dụng biện pháp đổ vật liệu nạo vét lên bờ.

Khó khăn lớn nhất để công tác duy tu tranh thủ được thời tiết tốt, mùa thi công tốt là tìm vị trí đổ vật liệu nạo vét kịp thời và lâu dài. Tuy vậy, điều đó hiếm khi xảy ra. Tại khu vực miền Bắc, hiện chỉ có 2 tuyến luồng tìm được vị trí đổ vật liệu trên bờ trong thời gian dài (5 – 7 năm) là tuyến luồng Thuận An và Hải Thịnh. Với các tuyến luồng còn lại, mỗi năm, cơ quan chức năng vẫn phải đi tìm chỗ mới, phải làm lại thủ tục từ đầu.

Về hành lang pháp lý, hiện Chính phủ đã ban hành Nghị định 159 về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển. Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trước 30/1 hàng năm phải công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý. “Các địa phương cần thực hiện tốt trách nhiệm để cùng Cục Hàng hải VN, các TCT Bảo đảm ATHH tháo gỡ khó khăn trong hoạt động nạo vét duy tu”, ông Việt nói.

Báo Giao thông