Công ty Vận tải biển Việt Nam bước vào tuổi 50 vinh quang và thử thách

30/06/20 10:59 AM

Cách đây đúng nửa thế kỷ, ngày 01/7/1970, trước yêu cầu phục hồi và tổ chức lại sản xuất của ngành đường biển, Bộ GTVT đã thành lập Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) trên cơ sở hợp nhất ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng và một Xưởng vật tư. Công ty vận tải biển Việt Nam (Công ty) khi ấy là lực lượng chủ lực, có trách nhiệm tổ chức các tuyến vận tải Hải Phòng – Hongkong, Hải Phòng – Quảng Châu… Tài sản của Công ty có tới 217 tàu nhưng tổng trọng tải chỉ vẻn vẹn 34.245 tấn; tàu lớn nhất là 3.500 tấn…

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2020

Trụ sở Công ty CP Vận tải biển Việt Nam tại Hải Phòng

Nhìn lại một thời vinh quang – Anh cả đỏ của ngành vận tải biển VN

Vào thời điểm ác liệt chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cán bộ, sĩ quan, thuyền viên của Công ty (mà trụ cột là ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng) đã không ngại gian khổ, hy sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và sự phong tỏa của địch, kiên trì bám tàu, bám biển hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận tải, tiếp nhận hàng nhập khẩu về cảng Hải Phòng, vận chuyển hàng hóa, phương tiện chiến đấu chi viện cho khu 4 và chiến trường miền Nam. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù trên biển, 160 cán bộ, công nhân viên, sĩ quan, thuyền viên của Công ty đã anh dũng hy sinh, hai đội tàu được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Ngày 9/11/1973, tàu Hồng Hà mở tuyến Việt Nam – Nhật Bản, là tàu đầu tiên của ngành hàng hải mở luồng đi biển xa, tạo đà cho bước phát triển đội tàu vận tải viễn dương. Năm 1974, VOSCO là doanh nghiệp đầu tiên của ngành hàng hải Việt Nam thực hiện phương thức vay mua tàu để phát triển đội tàu: mua 3 tàu Sông Hương, Đồng Nai và Hải Phòng.

Miền Nam được giải phóng, chỉ mấy ngày sau chiến tranh kết thúc, ngày 13-5-1975, tàu của Công ty đã kịp thời có mặt ở Bến cảng Nhà Rồng đưa hơn ba trăm cán bộ các ngành chi viện cho việc tiếp quản thành phố. Tiếp theo đó, tàu của Công ty lần lượt có mặt tại các cảng khác của miền Nam, kịp thời phục vụ tiếp quản và xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Năm 1982, Thái Bình và Tô Lịch là hai tàu đầu tiên của Việt Nam mở tuyến đi các nước Tây Phi và châu Mỹ, đánh dấu đội tàu VOSCO đến đủ năm châu, bốn biển. Trong đó, Thái Bình là tàu biển Việt Nam đầu tiên có hành trình vòng quanh Thế giới.

Ðể hoàn thành nhiệm vụ được giao, Công ty tập trung mọi nguồn lực để phát triển đội tàu. Trong điều kiện khó khăn về vốn, VOSCO đã biết áp dụng linh hoạt các phương thức vay mua và thuê mua theo tập quán hàng hải thế giới. Nhờ vậy, chỉ trong mười năm, từ 1975 đến 1985, đội tàu của Công ty đã có những bước phát triển nhảy vọt. Ðến năm 1985, đội tàu của VOSCO đã có 23 chiếc với tổng trọng tải 260 nghìn tấn, mở rộng phạm vi hoạt động đến hầu khắp các cảng trên thế giới.

Vào những năm 90 của thế kỷ 20, nền kinh tế đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Ðể từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, Công ty từng bước chuyển đổi cơ cấu đội tàu theo hướng trẻ hóa và chuyên môn hóa; từng bước nâng cao trình độ quản lý và khai thác tàu của sĩ quan, thuyền viên và cán bộ quản lý.

Từ ngày 01/01/2008, VOSCO, đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi mới là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam.

Khó khăn, thử thách và nỗ lực vượt khó

Vào thời điểm hưng thịnh nhất của ngành vận tải biển, đội tàu của VOSCO gồm 30 chiếc với 5 tàu dầu, 2 tàu container và 23 tàu hàng khô, tổng trọng tải hơn 700.000 tấn. Cùng với đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, chuyên gia khai thác được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm, VOSCO được xem là “Anh cả Đỏ” trong ngành hàng hải Việt Nam, một trong những doanh nghiệp trụ cột của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Để vượt qua cuộc khủng hoảng của ngành vận tải biển trong hơn mười năm qua, Công ty đã dần thanh lý những tàu già, trọng tải nhỏ và hiệu quả kinh doanh thấp, từng bước thay thế bằng đội tàu hàng rời theo hướng đồng bộ hóa, hiện đại hóa, trẻ hóa và tăng kích cỡ.

Lãnh đạo của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam cho biết, hiện nay VOSCO đang khai thác đội tàu hàng khô và hàng rời chuyên dụng gồm 17 chiếc, trọng tải từ 6.500 DWT đến gần 56.500 DWT. Trong đó, đội tàu cốt lõi có bốn tàu cỡ Supramax (50-60 nghìn DWT) và năm tàu Handysize (15 – 35 nghìn DWT). Trong những năm tới Công ty sẽ tiếp tục tái cơ cấu tài chính, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh giảm và chuyên môn hóa cao. Về chiến lược kinh doanh, VOSCO sẽ tập trung tìm kiếm các hơp đồng COA (dài hạn), vận tải hai chiều, tăng cường thuê tàu khai thác tàu ngoài để nâng cao sản lượng, doanh thu, liên kết các doanh nghiệp vận tải biển theo mô hình Consortium theo chủ trương chung của Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

TGTT tổng hợp