Gỡ “điểm nghẽn” khơi thông vận tải đường thủy

31/12/22 10:00 PM

Chuyến tàu siêu trọng từ Hải Phòng cập cảng Cần Thơ mới đây là niềm vui to lớn của cả chính quyền và người dân trong vùng, mở ra một hướng vận tải mới tiết kiệm, hiệu quả.

Khởi động tuyến vận tải biển từ các cảng miền Tây

70% hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL thời gian qua phải vận chuyển đường bộ để tới các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và Vùng Đông Nam Bộ, làm tăng thêm chí phí vận tải vào giá thành sản phẩm. Đây chính là điểm nghẽn nhiều năm nay, cản trở sự phát triển của vùng.

Vì vậy, sự kiện tàu container Tan Cang Foundation tải trọng 400 Teu khởi hành tại cảng Tân Cảng 128 (TP Hải Phòng) và cập cảng Cái Cui, TP Cần Thơ là niềm vui to lớn của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong vùng, mở ra một hướng vận tải mới tiết kiệm, hiệu quả, tối ưu chi phí.

Sáng 29/12, tại Tân cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức “Lễ đón chuyến tàu Container Tân Cảng Foundation vào cụm cảng Cần Thơ”.

Gỡ “điểm nghẽn” khơi thông vận tải đường thủy - Ảnh 1.

Một khi tuyến vận tải biển từ miền Tây phát huy được hiệu quả, ĐBSCL sẽ trở thành điểm thu hút các nhà đầu lớn trong và ngoài nước. Bởi hàng hoá từ cụm cảng Cần Thơ sẽ được kết nối đến các cảng khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc, từ đó phát triển đưa nguồn hàng đi các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Về lâu dài, cụm cảng Cần Thơ được kỳ vọng sẽ phát triển thành “chợ” container và trung tâm logistics của vùng. Từ đó sẽ thu hút các đội tàu trong và ngoài nước phát triển loại hình dịch vụ vận chuyển container trực tiếp từ các cảng miền Tây đi cụm cảng khu vực TP Hồ Chí Minh, Cái Mép, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế Nội Á.

Nhờ đó, hàng hoá ở miền Tây vận chuyển đi các nơi sẽ tiết kiệm được thời gian và đến 40% chi phí vận chuyển. Giai đoạn đầu tuyến vận tải này khai thác tần suất 2 chuyến/tháng và có thể tăng dần để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Giảm chi phí nhờ vận tải biển

Năm 2016, ngay sau khi Cục Hàng hải Việt Nam có quyết định về khai thông tuyến luồng Quan Chánh Bố, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã tiên phong khai trương tuyến tàu container nội địa đầu tiên triển khai tuyến Hải Phòng – TP Hồ Chí Minh – cảng Tân Cảng Cái Cui với tần suất 1 chuyến/tuần. Tuy nhiên, chỉ một năm sau với 33 chuyến tàu cập cảng, tuyến khai thác đã phải tạm ngưng do yếu tố độ sâu luồng không đảm bảo. Từ đó, tình cảnh của cảng biển tại đây rất èo uột, ảm đạm nhưng nay đã khác.

ĐBSCL và vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước. Theo thống kê mỗi năm khu vực này có gần 21 triệu tấn hàng hóa thông qua. Tuy nhiên, đến 91% lượng hàng hóa phải trung chuyển lên các cảng Cái Mép, Thị Vải để xuất khẩu. Chi phí logistics tăng làm giảm tính cạnh tranh, kìm hãm sự phát triển hàng hóa nông sản trong khu vực.

Các chuyên gia khẳng định việc mở tuyến vận tải biển từ các cảng miền Tây sẽ khơi thông luồng hàng giúp sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL đi trực tiếp ra thế giới, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Việc khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa từ Hải Phòng vào ĐBSCL mà không phải qua cảng TP Hồ Chí Minh đã tạo ra giải pháp dịch vụ tiếp vận hậu cần trọn gói, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cả vùng ĐBSCL.

Chi phí logistics tăng sẽ làm giảm tính cạnh tranh, kìm hãm sự phát triển hàng hóa nông sản trong khu vực

ĐBSCL là nơi chiếm tới 60% lượng hàng thủy sản, 70% sản lượng hàng trái cây và 95% sản lượng gạo xuất khẩu của các nước. Toàn vùng hiện có hơn 2.000 cảng sông và bến xếp dỡ, nhưng công suất chỉ phục vụ thấp, quy mô nhỏ, không có cảng container chuyên dụng.

Ngoài ra, ĐBSCL có 12 cảng biển, 35 bến cảng, 4,9km cầu cảng và các cảng biển hoạt động như một vai trò vệ tinh thu gom hàng cho các cảng lớn tại TP Hồ Chí Minh và Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu). Song đa số luồng tàu hoạt động ở quy mô nhỏ, khiến khu vực đang đánh mất dần lợi thế về vận chuyển, dẫn đến không chỉ giá thành hàng hóa tăng cao mà tình trạng thất thoát sau thu hoạch của nhiều loại nông sản lên đến 20 – 30%%.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Cùng với tuyến tàu siêu trọng mới đây, nhiều dự án lớn đang được xây dựng, được xem là bước ngoặt để thay đổi.

Nếu chính quyền các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm logistics, có những chính sách ưu tiên đầu tư, có thể nói trong 5 năm tới sẽ là giai đoạn vàng cho ngành logistics.

VTV