Ký ức khó quên trong ngôi nhà ngập nước, nấm mọc…

25/06/22 8:36 AM

Chị Phạm Thị Thanh Mai (ở TP. Hải Phòng), vợ Máy trưởng Phạm Văn Hưng (tàu Sunrise, Công ty Vận tải biển VIMC), nhớ hoài hình ảnh lúc ôm con nhìn căn nhà ngập nước, đồ dùng điện hư hỏng hết…

Ký ức khó quên trong ngôi nhà ngập nước, nấm mọc...

Chị Phạm Thị Thanh Mai hiện công tác tại LĐLĐ quận Hồng Bàng, vợ Máy trưởng Phạm Văn Hưng

Chị Phạm Thị Thanh Mai hiện công tác tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hồng Bàng (thuộc LĐLĐ TP Hải Phòng). Ngày 21/6, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tôn vinh 51 sĩ quan, thuyền viên tiêu biểu, xuất sắc, trong đó có chồng chị. Chị Mai đã thay chồng (là Máy trưởng Phạm Văn Hưng đang công tác trên tàu) nhận Bằng khen của Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Câu chuyện của chị khiến nhiều người hiểu rõ hơn cuộc sống của thuyền viên và gia đình họ.

“Vợ chồng tôi đến với nhau trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Chúng tôi không trải qua thời gian tìm hiểu như các cặp đôi khác, không bị ngăn cản bởi gia đình. Chúng tôi quen nhau từ nhỏ. Khi đang học lớp 8, hai bà mẹ đã chia sẻ nguyện vọng được kết làm thông gia với nhau. Lúc đó, tôi chỉ cười vì bố mẹ thường ghép đôi con cái với nhau. Những lần hai gia đình giao lưu, gặp gỡ, chúng tôi luôn nảy sinh mâu thuẫn, tranh luận không có hồi kết. Nhưng đúng là trời xe duyên, hai cực trái dấu lại hút nhau. Chúng tôi cảm mến nhau lúc nào không hay. Hai gia đình biết chuyện thì rất phấn khởi. Tháng 7/2007, tôi chính thức nhận lời yêu anh. Tháng 10/2007, nhà trai mang lễ dạm ngõ để chồng tôi yên tâm đi tàu” – chị Mai nhớ lại.

Năm 2009, anh Hưng đi tàu về, hôn lễ diễn ra. Thời điểm mới cưới, anh Hưng chỉ ở nhà gần 6 tháng rồi lại đi biền biệt cả năm trời. Khi trở về, con gái đầu lòng đã 10 tháng tuổi. Khi chị Mai còn chưa biết mình mang thai con thứ hai, anh Hưng lại xuống tàu. Lúc anh trở về thì con gái đã 2 tháng tuổi.

Ký ức khó quên trong ngôi nhà ngập nước, nấm mọc...

Chị Phạm Thị Thanh Mai và anh Phạm Văn Hưng

Các con lần lượt chào đời trong lúc anh Hưng đi tàu. Những lúc ấy, dù có cha mẹ hai bên nhưng trong lòng chị Mai không khỏi tủi thân vì thiếu vắng người chồng, người cha. Là một người làm việc trong tổ chức Công đoàn, chị thấu hiểu và thông cảm với những khó khăn, vất vả của anh Hưng. Chị luôn xác định, nghề đi biển rất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hằng ngày, thuyền viên phải lênh đênh trên biển. Chị luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn bởi các anh đi tàu còn vất vả, khó khăn hơn nhiều lần. Nếu sóng yên, biển lặng thì mọi hoạt động trên tàu diễn ra bình thường. Nếu có sóng to, gió lớn hay tàu gặp sự cố thì các anh rất vất vả, áp lực. Công ty cũng luôn lo lắng cho sự an toàn của thuyền viên và hàng hóa trên tàu. Những lúc đó, chị luôn động viên chồng đã yêu nghề thì hãy cống hiến, cháy hết mình để đóng góp cho Công ty, Tổng công ty.

Là vợ thuyền viên, chị chịu không ít thiệt thòi. Người chồng là trụ cột thì thường xuyên phải đi xa. Việc đối nội, đối ngoại, chăm sóc con cái đều do chị quán xuyến. Những lúc con ốm đau, chị muốn có chồng ở bên, chia sẻ cũng không được.

Ngày ấy, anh Hưng đi tàu với chức danh thợ máy. Chị Mai là giáo viên, tiền lương “3 cọc 3 đồng”. Thấy cuộc sống hai anh chị khó khăn, cha mẹ anh Hưng đã lấy lại căn nhà cho sinh viên thuê trọ để vợ chồng chị sinh sống. Năm 2012, trận lụt lịch sử xảy ra. Vào lúc 4h, mẹ con chị còn đang ngủ thì nước tràn vào nhà. Chỉ sau 1 tiếng đồng hồ, nước ngập đến tủ lạnh, máy giặt rồi tiếp tục dâng cao.

“Tôi bất lực ôm con, nhìn đồ đạc ngập trong nước. Sau khi nước rút, máy giặt, tủ lạnh, đồ điện tử chập điện, cháy sạch. Chân bàn, chân giường bằng gỗ dán bong lở hết, 3 tháng sau, nấm mọc lên từ những nơi đó” – chị Mai kể.

Xa chồng, vừa đi làm vừa chăm sóc hai con nhỏ, chị Mai đã dành dụm từng đồng tiền lương chồng gửi về trang trải cuộc sống và phòng khi ốm đau.

Ký ức khó quên trong ngôi nhà ngập nước, nấm mọc...

Gia đình của anh Phạm Văn Hưng và chị Phạm Thị Thanh Mai

Đến năm 2017, bằng sự chăm chỉ, cần cù của anh Hưng và sự chắt chiu của chị Mai, hai người đã xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang, ấm cúng. Hiện tại, hai con gái của anh chị đã học lớp 8 và lớp 2 đều chăm ngoan, học giỏi. Kinh tế ổn định, cuộc sống hiện tại không còn phải nặng gánh lo toan nữa.

“Mọi người trong gia đình động viên tôi sinh thêm con trai để chồng khỏi “ngấp nghé”. Nhưng tôi quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Chồng tôi cũng ủng hộ quan niệm này. Đó là điều tôi rất tin tưởng và khâm phục anh ấy. Ngày đầu quen nhau, anh ấy còn là thanh niên ham chơi. Nhưng khi có gia đình, anh ấy toàn tâm toàn ý chăm lo vợ con. Sau 14 năm kết hôn, tôi mãn nguyện vì có người chồng yêu thương gia đình. Vợ chồng nào cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn thuở ban đầu. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, sau khó khăn sẽ là hạnh phúc. Tôi tin rằng, gia đình mình là một trong những gia đình thuyền viên hạnh phúc” – chị Mai cho biết.

Ký ức khó quên trong ngôi nhà ngập nước, nấm mọc...

Chị Phạm Thị Thanh Mai (hàng trên, thứ 7 từ trái qua) thay chồng dự Hội nghị “Tôn vinh sĩ quan, thuyền viên tiêu biểu, xuất sắc lần thứ II, năm 2022

“Thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những sự hi sinh thầm lặng nơi hậu phương của các thuyền viên. Đó là những người cha, người mẹ, người vợ, người con chấp nhận thiệt thòi về tình cảm để các anh yên tâm công tác. Tôi muốn nói với hậu phương của những người thủy thủ rằng, những người con, người chồng, người cha của chúng ta đang làm công việc đáng tự hào. Họ là những người góp phần duy trì hoạt động kinh doanh, thương mại toàn cầu. Nhờ họ mà những hàng hóa, đồ dùng thiết yếu đến được hàng tỉ người trên thế giới. Nếu ngày nào đó, những người thủy thủ lại thôi thúc vì nỗi nhớ biển khơi thì mong rằng hậu phương hiểu được nỗi niềm, trách nhiệm lớn lao mà họ đang gánh vác.

Chúng tôi tin tưởng rằng gia đình các sĩ quan, thuyền viên sẽ lan tỏa nét văn hóa tốt đẹp này, góp phần tạo nên những thế hệ thuyền viên tương lai” – ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết.

LĐCĐ